Vẫn còn tư tưởng không muốn thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

author 08:39 19/05/2022

(VietQ.vn) - Thực tế vẫn còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực tháo gỡ vướng mắc chính sách cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều vướng mắc, chậm trễ. Kế hoạch thu từ cổ phần, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước năm 2021 được Quốc hội đặt ra là hơn 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm 2021 chỉ đạt 3.000 tỷ đồng.

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chưa đảm bảo tính kịp thời. 

Về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn không đạt kế hoạch, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chưa đảm bảo tính kịp thời, còn hình thức, thiếu khả thi, chưa sát với thực tế.

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa đã vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai đúng theo kế hoạch.

Cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, về nội tại doanh nghiệp nhà nước, công tác lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn còn hình thức, thiếu khả thi và chưa sát với thực tế. Đa số các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.

Để đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn cần bám sát tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp kinh doanh thuần túy; chỉ giữ lại các doanh nghiệp theo đúng tiêu chí phân loại nêu tại Điều 3 của Quyết định này. Đối với các doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí thì kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn, Nhà nước không nắm giữ cổ phần, vốn góp. Kiên quyết thực hiện thoái vốn ở những doanh nghiệp mà tỷ lệ vốn nhà nước đang nắm ở mức thấp (dưới 36% ở các doanh nghiệp nhà nước nhỏ) do tỷ lệ này không có nhiều ý nghĩa trong quản trị doanh nghiệp.

“Không cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá mà cần theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi tối đa vốn Nhà nước”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Liên quan tới một số giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, thời gian tới, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, nghiên cứu quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, sắp tới sẽ lựa chọn 5 thành phố trực thuộc trung ương để phê duyêt phương án sắp xếp đất đai trên địa bàn và chọn một vài doanh nghiệp thí điểm niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán của khu vực và thế giới, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang