Xử lý hình sự hành vi bán thuốc điều trị Covid-19, kit test, máy đo SpO2 không rõ nguồn gốc

author 06:28 29/03/2022

(VietQ.vn) - Bộ Công an cho biết sẽ xử lý hình sự hành vi bán thuốc điều trị Covid-19, kist test, máy đo SpO2 không rõ nguồn gốc

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia dẫn thông tin từ Bộ Công an cho biết, thời gian qua, Bộ Công an nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng lợi dụng tình hình số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong thời gian qua, nhiều nhà thuốc đã bán các loại thuốc điều trị Covid-19, kist test, máy đo SpO2 không rõ nguồn gốc nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. 

Theo Bộ Công an, nếu phát hiện việc bán, lưu hành các loại vật tư phòng, chống Covid 19 (kit test, máy đo SpO2...) không rõ nguồn gốc hoặc giá quá cao thì người dân có thể báo cho các cơ quan có trách nhiệm xử lý những hành vi này như: Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra y tế ...

 Bộ Công an sẽ xử lý hình sự hành vi bán thuốc điều trị Covid-19, kist test, máy đo SpO2 không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT Hưng Yên

Hiện nay hành vi bán, lưu hành các loại vật tư phòng, chống Covid-19 không rõ nguồn gốc hoặc giá quá cao trong trường hợp cơ quan chức năng xác minh, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ có thể bị xử lý hình sự như sau: Nếu hành vi buôn bán các loại vật tư phòng, chống Covid-19 (kit test, máy đo SpO2, thuốc điều trị Covid-19 ...) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam có trị giá hàng từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên thì người buôn bán sẽ vi phạm Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Nếu hành vi tàng trữ, vận chuyển các loại vật tư phòng, chống Covid 19 (kit test, máy đo SpO2, thuốc điều trị Covid-19...) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam có trị giá hàng từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên thì người tàng trữ, vận chuyển sẽ vi phạm Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Nếu hành vi buôn bán các loại vật tư phòng, chống Covid-19 (kit test, máy đo SpO2,...) không rõ nguồn gốc, xuất xứ có tài liệu chứng minh là hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên thì người buôn bán sẽ vi phạm Tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Nếu hành vi buôn bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ có tài liệu chứng minh là hàng giả thì người buôn bán sẽ vi phạm Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Nếu hành vi buôn bán các loại vật tư phòng, chống Covid-19 (kit test, máy đo SpO2, thuốc điều trị Covid-19 ...) qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa trái pháp luật có giá trị hàng từ 100.000.000 đồng trở lên thì người buôn bán sẽ vi phạm Tội buôn lậu quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa, hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cụ thể, theo Công điện số 286/CĐ-BYT của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế theo nội dung tại Công văn số 854/BYT-TB-CT ngày 23/2/2022 của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa, hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan phải đăng tải giá trúng thầu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại địa phương; danh sách số lưu hành, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế bị thu hồi trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông của tỉnh, thành phố.

Đồng thời, chỉ đạo sở y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ thực hiện niêm yết giá bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 và đảm bảo chất lượng cung ứng sản phẩm này đến người dân.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm các tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang