Xuất, nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế

author 19:06 13/11/2024

(VietQ.vn) - Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, duy trì mức tăng cao, trong đó khu vực kinh tế trong nước đã có sự nỗ lực vượt bậc khi có tốc độ tăng của kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Động lực chủ yếu là sự phục hồi nhu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất các mặt hàng chủ lực.

Trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD.

Trong 10 tháng năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước với tốc độ tăng cao hơn rất nhiều so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI). Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng, là điểm sáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu của nước ta khi các doanh nghiệp trong nước đang dần vươn lên chiếm lĩnh thị trường, khẳng định tiềm lực quốc gia. Tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng dần sau thời gian khá dài suy giảm và phụ thuộc vào khu vực FDI.

Nếu như năm 2015, kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm 35,4% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước thì đến năm 2017 tỷ trọng này giảm xuống 34%; năm 2018 chiếm 34,3% và năm 2019 chiếm 35,4%. Tuy nhiên, trong 2 năm tiếp theo, tỷ trọng này giảm còn 31,5% và 30,5%.

Sang đến năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, tỷ trọng chiếm 31,3%. Trong 10 tháng năm 2024, tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng lên 32%. Dự báo với tốc độ tăng như hiện nay, đến hết năm 2024, tỷ trọng này sẽ tiếp tục tăng cao hơn.

Trong tháng 10 và mười tháng năm 2024, các chỉ số về tốc độ tăng của khu vực kinh tế trong nước đều cao hơn rất nhiều so với khu vực FDI.

Trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,29 tỷ USD, tăng 2,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Mười tăng 10,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 7,3%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,68 tỷ USD, tăng 15,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,92 tỷ USD, tăng 0,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười tăng 13,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,7%.

Tính chung mười tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72,0%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 113,58 tỷ USD, tăng 18,8%, chiếm 36,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,7 tỷ USD, tăng 15,8%, chiếm 73,6%.

Xét theo từng khu vực, trong mười tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 207,55 tỷ USD, tăng mạnh 19,6% (tương ứng tăng 34,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 32,0% trong tổng trị giá xuất, nhập khẩu của cả nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 440,32 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng 54,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 68,0% trong tổng trị giá xuất, nhập khẩu của cả nước.

Trong 10 tháng năm 2024, nhiều thị trường/khu vực thị trường xuất, nhập khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 31,6%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 24,2%; xuất khẩu sang EU tăng 16,4%. Kèm theo đó là xuất siêu sang nhiều nước cũng tăng cao như xuất siêu sang Hoa Kỳ tăng 26,9%, xuất siêu sang EU tăng 18,6%, xuất siêu sang Nhật Bản tăng 56,9%.

Trong mười tháng năm 2024, Trung Quốc giữ vững là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất của nước ta, đạt 168,5 tỷ USD, tăng 21,1% (29,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 50,8 tỷ USD, tăng 2,1% (1,1 tỷ USD); nhập khẩu ở vị trí dẫn đầu với kim ngạch đạt 117,7 tỷ USD, tăng 31,6% (28,3 tỷ USD). Cán cân thương mại với Trung Quốc đạt nhập siêu 66,9 tỷ USD, tăng 68,5% (27,2 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023.

Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 2 với 110,7 tỷ USD về thương mại hai chiều, tăng 22,2% (20,1 tỷ USD) so với cùng kỳ 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 98,4 tỷ USD, tăng 24,2% (19,2 tỷ USD); nhập khẩu đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,2% (926,9 triệu USD). Xuất siêu sang thị trường Hoa kỳ đứng ở vị trí dẫn đầu với 86,1 tỷ USD, tăng 26,9% (18,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.

ASEAN có kim ngạch 2 chiều đạt 68,6 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt giá trị 30,6 tỷ USD, tăng 13,9% (3,7 tỷ USD); nhập khẩu đạt 37,9 tỷ USD, tăng 12,4% (4,2 tỷ USD). Nhập siêu từ thị trường ASEAN đạt 7,3 tỷ USD, tăng 6,4% (438,6 triệu USD) so với cùng kỳ 2023. Hàn Quốc là thị trường có kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 67,3 tỷ USD, tăng 7,4% (4,6 tỷ USD); trong đó, xuất khẩu đạt 21 tỷ USD, tăng 6,9% (1,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023, nhập khẩu đạt 46,3 tỷ USD, tăng 7,6% (3,2 tỷ USD), nhập siêu từ thị trường này đạt 25,3 tỷ tăng 8,1% (1,9 tỷ USD).

Thị trường EU có kim ngạch 2 chiều đạt 56,1 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 42,3 tỷ USD, tăng 16,4% (6 tỷ USD); nhập khẩu đạt 13,8 tỷ USD, tăng 12,2% (1,5 tỷ USD). Xuất siêu sang thị trường EU đạt giá trị 28,4 tỷ USD, tăng 18,6% (4,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Nhật Bản có kim ngạch hai chiều đạt 37,9 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 20,2 tỷ USD, tăng 4,6% (892,2 triệu USD) và nhập khẩu đạt 17,8 tỷ USD, tăng 0,2% (32,8 triệu USD). Xuất siêu sang thị trường Nhật Bản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 56,9% (859,4 triệu USD).

Trong mười tháng năm 2024, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%); 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 48,3%). Nhiều mặt hàng có giá trị xuất, nhập khẩu lớn đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, về mặt hàng xuất khẩu, trong số 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD có tới 5 mặt hàng tăng cao trên 10% so với cùng kỳ năm trước là điện tử, máy tính và linh kiện, mặt hàng đạt giá trị lớn nhất, đạt 58,7 tỷ USD, tăng 26,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 43 tỷ USD, tăng 21,5%; dệt may đạt 30,6 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép đạt 18,6 tỷ USD, tăng 12,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,2 tỷ USD, tăng 21,2%. Ngoài ra nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt tốc độ tăng cao như: Cà phê tăng 39,2%; sản phẩm chất dẻo tăng 30,5%; rau quả tăng 27,8%; gạo tăng 23,5%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 18,4%; sắt, thép tăng 14,7%; thủy sản tăng 10,9%.

Trong các nhóm hàng xuất khẩu, tốc độ tăng kim ngạch cao nhất thuộc về nhóm hàng nông sản, lâm sản với mức tăng 24,7%. Các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức tăng chung là 14,4%.

Về mặt hàng nhập khẩu, cả 4 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 10 tỷ USD đều tăng cao. Mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 88,3 tỷ USD, tăng 23,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 39,7 tỷ USD, tăng 17,0%; vải đạt 12,3 tỷ USD, tăng 14,7%; sắt, thép đạt 10,5%, tăng 23,2%.

Ngoài ra có nhiều mặt hàng tăng cao như: Sản phẩm từ kim loại thường khác tăng 43,4%; dây điện và cáp điện tăng 30,9%; cao su tăng 30,1%; các loại thuốc tân dược tăng 26,9%; kim loại thường khác tăng 24,9%; dầu thô tăng 23,1%; sản phẩm từ sắt, thép tăng 21,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 19,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 18,8%; ô tô tăng 18,4%; chất dẻo tăng 17,9%; linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 17,5%; sản phẩm chất dẻo tăng 16,6%; than đá tăng 13,1%.

Trong các nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất có mức tăng cao hơn mức tăng của nhóm hàng tiêu dùng, đạt 16,7%, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng cao 21,1%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu tăng 12,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng Mười sơ bộ xuất siêu 1,99 tỷ USD. Tính chung mười tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 23,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 24,8 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.

Để thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu trong năm 2024 đạt được kết quả như kỳ vọng, trong 2 tháng cuối năm, chúng ta cần triển khai đồng loạt nhiều giải pháp.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam. Đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu.

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa dư địa thị trường, phát huy hiệu quả do các hiệp định thương mại tự do mang lại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với như CPTPP, EVFTA, RCEP… Phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai được hoạt động xúc tiến thương mại; ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin thị trường, cơ hội giao thương nhằm tăng thị phần tại thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới còn nhiều dư địa.

Tăng cường hỗ trợ xây dựng và triển khai các triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu, tăng cường sự phối kết hợp nguồn lực từ hoạt động xúc tiến và từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…; kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch,…

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ các tổ chức mà Việt Nam là thành viên.

Tăng cường hoạt động cung cấp thông tin thị trường và hoạt động nâng cao năng lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.

Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn; chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hiệu quả hàng rào kỹ thuật.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang