Kinh tế Nga, Venezuela, Iran lâm vào suy thoái vì giá dầu giảm

author 18:42 09/01/2015

(VietQ.vn) - Giá dầu giảm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế các nước như Venezuela, Iran và Nga, khiến các quốc gia này đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế.

Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 năm đã kéo theo những thay đổi lớn trên thế giới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của một số nước như Nga, Iran và Venezuela.

Giá dầu giảm đẩy xứ sở bạch dương đứng trước nguy cơ suy thoái

Xứ sở bạch dương đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái sâu nếu chính phủ lơ là trong các kế hoạch chi tiêu của mình. Bộ Tài chính Nga nhận định, kinh tế nước này có thể giảm 4% trong năm 2015 với mức thâm hụt ngân sách 3%, nên chính phủ sẽ phải cắt giảm nhiều hơn nữa chi tiêu hoặc dự trữ ngoại tệ. Mức cắt giảm dự kiến 10% hiện nay được cho là chưa đủ. Giá dầu cứ giảm 1 USD khiến ngân sách Nga mất 2 tỷ USD/năm và lượng dự trữ ngoại tệ hơn 400 tỷ USD của Nga chỉ đủ sử dụng tối đa hai năm. Người đứng đầu Chính phủ Nga thừa nhận, nền kinh tế nước này đang ở tình thế tồi tệ hơn so với trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.

Giá dầu giảm kéo theo hệ lụy tới nền kinh tế các quốc gia phụ thuộc vào dầu

Giá dầu giảm kéo theo hệ lụy tới nền kinh tế các quốc gia phụ thuộc vào dầu. Ảnh minh họa

Trong khi đó, làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư nước ngoài khiến kinh tế nước này mất khoảng 130 tỷ USD trong năm 2014. Thậm chí Ngân hàng trung ương Nga cũng nhận định, kinh tế nước này có thể giảm tới 4,8% trong năm 2015 và dự kiến đến năm 2017 mới có thể phục hồi. Theo các nhà phân tích, Nga đang đứng trước những lựa chọn khó khăn trong lĩnh vực kinh tế do phải chịu quá nhiều yếu tố tiêu cực như nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu dầu mỏ, chiếm đến 50%. Do vậy, đứng trước "cơn bão kép" của giá dầu giảm sút cùng các đòn trừng phạt của phương Tây, Nga cần một chính sách kinh tế mới, những cải cách cơ cấu quyết liệt để đa dạng hóa nền kinh tế, tăng năng suất, hiệu quả đầu tư và đặc biệt là kích thích kinh tế sớm tăng trưởng trở lại, cũng như khuyến khích người dân làm thêm nhiều của cải cho xã hội.

Venezuela và Iran rơi vào tình trạng lạm phát do giá dầu giảm

Đối với Venezuela, quốc gia Nam Mỹ với 95% nguồn thu ngân sách dựa vào xuất khẩu dầu lửa, nguy cơ vỡ nợ đang hiện rõ. 95% nguồn thu ngoại tệ của Venezuela đến từ xuất khẩu dầu. Ngân sách hạn hẹp, Chính phủ giảm mạnh giá xăng như một cách hỗ trợ kinh tế trong nước. Theo hãng tin Bloomberg, sự sụt dốc của giá dầu cũng đã khiến đồng Bolivar của Venezuela rớt giá chóng mặt, lạm phát vọt lên mức cao nhất thế giới 64%, và hàng hóa trở nên khan hiếm.

Giá dầu giảm kéo theo hệ lụy hãng kem Coromoto nổi tiếng Venezuela phải đóng cửa

Giá dầu giảm kéo theo hệ lụy hãng kem Coromoto nổi tiếng Venezuela phải đóng cửa . Ảnh minh họa

Một hãng kem nổi tiếng ở Venezuela, Coromoto đã buộc phải đóng cửa ngay mùa bận rộn nhất vào tháng 11 vừa qua do thiếu sữa.  Sữa đã trở thành một hàng hóa khan hiếm ở Venezuela thời kỳ này. Venezuela, đổ đầy bình xăng xe ô tô chỉ mất gần 20.000 đồng, nhưng để mua một chai nước ngọt, người tiêu dùng phải trả tới 150.000 đồng. Chính phủ của ông Maduro đang có chuyến thăm một loạt các nước châu Á với nỗ lực tìm kiếm khoản hỗ trợ tín dụng nhằm đưa nền kinh tế tạm thời vượt qua khó khăn.

Iran cũng đang đối mặt với  thị trường chứng khoán lao dốc và đồng nội tệ mất giá mạnh. Giới chức nước này đang cảnh báo cắt giảm chi tiêu và đầu tư trong kế hoạch ngân sách của tài khóa tiếp theo. Kế hoạch ngân sách của Iran cho tài khóa tới dựa trên mức giá dầu 72 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức giá dầu hiện tại.

Một vấn đề mà các ngân hàng trung ương quan tâm là ảnh hưởng của giá dầu giảm tới lạm phát. Trong đó, lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro có thể sẽ xuống ngưỡng âm, còn lạm phát ở Mỹ, Anh và Nhật sẽ giảm xuống mức khoảng 0,5%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đặt mục tiêu lạm phát 2% để ổn định giá cả.

Phương Khanh ( tổng hợp)

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang