Ấn tượng KH&CN năm 2017 dưới góc nhìn chuyên gia

author 11:30 16/02/2018

(VietQ.vn) - Trên 6 lĩnh vực chủ chốt, KH&CN đều thể hiện được vai trò “người dẫn đường” với nhiều đột phá trong năm 2017.

Trong năm 2017, KH&CN đã khẳng định vai trò và sức mạnh to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trở thành động lực then chốt của sự nghiệp đổi mới và phát triển. Những thành tựu KH&CN ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng sâu rộng trong thực tiễn, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tổng kết các hoạt động, các sự kiện KH&CN tiêu biểu năm 2017, các nhà quản lý, nhà khoa học cũng đã để lại những đánh giá chân thành, sâu sắc về những điểm nhấn nổi bật trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ của nước nhà.

Thế hệ trẻ là hy vọng của sự phát triển KH&CN

Đó là chia sẻ của GS. Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng xét tặng giải thưởng HCM và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5, Chủ tịch Hội đồng liên ngành lịch sử, văn hóa khi nói về những công trình, tác giả trẻ trong đợt xét giải thưởng.

“Có thể nói giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm nay đã khẳng định được uy tín mang tầm quốc tế, được giới khoa học quốc tế ở từng lĩnh vực khác nhau đánh giá cao.

Điều đáng chú ý là khi chúng tôi họp Hội đồng xét giải thưởng năm nay, đã xuất hiện những tác giả của các cụm công trình có tuổi rất trẻ. Điều này làm bừng lên trong chúng tôi niềm vui đồng thời là sự hy vọng cho sự phát triển của khoa học công nghệ . Do đó, tôi nghĩ rằng chúng ta cần quan tâm nhiều hơn, chắt chiu, nâng niu những tài năng từ khi mà họ còn đang trẻ”, Giáo sư Giang cho biết.

GS. Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng xét tặng giải thưởng HCM và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5, Chủ tịch Hội đồng liên ngành lịch sử, văn hóa. Ảnh: báo điện tử ĐCSVN 

Đồng quan điểm trên, GS. TS khoa học Đặng Văn Bát, Ủy viên Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng HCM và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5, Chủ tịch Hội đồng Địa chất và Hội đồng Dầu khí, cho rằng lực lượng cán bộ khoa học trẻ của Việt Nam rất dồi dào và trong tương lai có thể  nắm bắt được những kiến thức khoa học hiện đại cũng như đuổi kịp trình độ khoa học trên thế giới.

Internet tạo nên cả một ngành công nghiệp đóng góp GDP đáng kể tại Việt Nam

Theo ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, việc Việt Nam tham gia mạng Internet toàn cầu vào năm 1997 đã đánh dấu một bước tiến mới, tạo lòng tin đến từ các tổ chức quốc tế, các đối tác thương mại đối với chính sách mở cửa hội nhập của nước ta.

Đến nay, Internet không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng chúng mà còn tạo nên một ngành công nghiệp có đóng góp GDP cho đất nước. Nếu không có Internet, Việt Nam không thể có ngành công nghiệp phần mềm với những sản phẩm vươn ra thế giới .

Ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Đà Nẵng 24h 

Cũng theo vị Giáo sư này, từ con số 0 trong những năm đầu thập niên 90, hiện nay Việt Nam đang sở hữu nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin hiện đại phủ rộng khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn thậm chí cả miền núi, hải đảo.

Hằng trăm dịch vụ công trực tuyến được triển khai ở mức độ 3 , 4 ở nhiều địa phương Bộ ngành mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp .

KH&CN phải theo phương châm “thuyền đi nước ngược”

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam đánh giá, năm qua, Chính phủ nói chung và ngành y tế nói riêng cũng đã tập trung đầu tư cho KH&CN trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Bằng chứng là có rất nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước dưới sự phân công của Bộ KH&CN cũng như Bộ Y tế được hỗ trợ giúp cho các giáo sư bác sĩ ở các cơ sở có thể áp dụng vào công tác khám chữa bệnh, cứu người .

Việc ứng dụng KH&CN vào y tế cũng giúp cho trình độ, năng lực của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam. Ảnh: Toplist.vn 

GS. TS. Thiếu tướng Đỗ Quyết, Chủ nhiệm đề tài, Giám đốc Học viện Quân y nói: “ Sự phát triển KH&CN của thế giới hiện tại đòi hỏi chúng ta phải giống như “thuyền đi nước ngược” . Điều đó có nghĩa là cần cố gắng, nỗ lực ứng dụng KH&CN để không bị tụt hậu với thế giới.

Trong lĩnh vực y tế, tôi cho rằng các chủ trương, chính sách của Đảng đưa ra vừa rồi và sự nỗ lực trong đó có Bộ KH&CN có chương trình trọng điểm quốc gia về ứng dụng KH&CN đã tạo thành bước đột phá thời gian vừa qua”, GS Quyết nói.

Nông dân làm chủ công nghệ, trở thành công nhân nông nghiệp

Theo nhận định của ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, kết quả nổi bật trong ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp năm 2017 thể hiện ở chỗ diện tích mà các địa phương, doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ thống nhà kính nhà lưới nhà vòm nhà che phủ đã tăng rất nhanh so với 3-4 năm trước đây.

Ông Định cho rằng, với phương pháp canh tác kiểm soát được các điều kiện tác động ngoại cảnh thì những mô hình ứng dụng KH&CN mang lại giá trị thu hoạch rất cao.

 Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: báo điện tử ĐCSVN

“Thông thường với 1ha bà con làm có thể thu hoạch trùng bình khoảng 80 -100 triệu đồng thì những mô hình ứng dụng công nghệ cao có thể thu hoạch 1-2 tỷ đồng trên 1ha thậm chí cao hơn. Rõ ràng với việc canh tác thông minh như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát, giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đồng thời, những người nông dân cũng sẽ trở thành công nhân nông nghiệp, làm chủ công nghệ, làm chủ việc ứng dụng KH&CN đặc biệt là công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Định chia sẻ

Nhờ ứng dụng công nghệ, lịch sử đến gần hơn với nhân loại

Trao đổi về “Dự án những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất nhà Quốc hội”, PGS. TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay mục tiêu của dự án này là đem lại hình ảnh mới cho tòa nhà quốc hội, để công trình này hóa thân vào tiến trình lịch sử vinh quang của dân tộc từ thời Thăng Long đến nay.

 PGS. TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ảnh: báo điện tử ĐCSVN 

PGS. TS Bùi Minh Trí cho hay: “Các hiện vật trong khu trưng bày đều được sắp xếp theo kịch bản trưng bày nhằm kể lại những câu chuyện liên quan tới hiện vật đó nhờ sự kết hợp giữa ánh sáng, công nghệ tái hiện hiện đại. Chính công nghệ đã làm sống động hóa những thành công về nghiên cứu khoa học. Đây cũng chính là niềm tự hào mới cho Việt Nam trong hội nhập, đưa lịch sử, giá trị văn hóa tiếp cận gần hơn với công chúng”.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Mong muốn KHCN tiếp tục là động lực phát triển kinh tế-xã hội

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vai trò của KH&CN trong phục vụ phát triển kinh tế xã hội, thời gian qua, lãnh đạo ngành KH&CN đã chỉ đạo, thực hiện xem xét rà soát lại các thủ tục nhập khẩu trang thiết bị, máy móc sản phẩm hàng hóa và với việc rà soát này đã cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính không cần thiết .

Để tiếp cận mạnh mẽ với xu hướng CMCN 4.0, Bộ KH&CN cũng đã xây dựng và trình thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. Ảnh: CIT

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN hiện cũng đang triển khai mạnh mẽ rất nhiều chương trình hướng về doanh nghiệp như chương trình đổi mới công nghệ quốc gia giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng có chương trình phát triển tài sản trí tuệ hỗ trợ, bảo hộ cho các sản phẩm của các doanh nghiệp và đăng ký bảo hộ ở Việt Nam và nước ngoài .

Trong năm 2017 vừa qua, Việt Nam tăng 12 bậc phát triển chỉ số sáng tạo do tổ chức WIPO đánh giá, Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, có được điều này là nhờ sự chỉ đạo của chính phủ hoạt động của các bộ các ngành trong việc tích cực thay đổi cơ chế chính sách đặc biệt là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp , giảm thục tục hành chính phiền hà.

Trong năm mới 2018, Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ hy vọng rằng hoạt động KH&CN sẽ đạt được nhiều thành tựu lớn hơn nữa và giữ vững vai trò là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội cuả đất nước.

Hán Hiển

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Cần ưu tiên phát triển thị trường KH&CN(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng vấn đề phát triển thị trường KH&CN là một trong những vấn đề cần tăng cường, đẩy mạnh trong thời gian tới.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang