Bến Tre: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng bưởi da xanh

author 15:48 12/04/2015

(VietQ.vn) - Theo số liệu của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có trên dưới 5.000 ha bưởi da xanh và đã cung cấp cho thị trường rất nhiều trái bưởi có chất lượng cao.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

 Khoảng 5.000 ha bưởi da xanh tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre. Có 29 tổ hợp tác bưởi da xanh, trong đó 1 tổ hợp tác bưởi da xanh được chứng nhận GlobalGAP, thuộc Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre; 2 tổ hợp tác bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP, thuộc tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành xã Quới Sơn, tổ hợp tác bưởi da xanh Thành Phước xã Thành Triệu, huyện Châu Thành.

Để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, ngành nông nghiệp cũng đã tập trung tổ chức nhiều chương trình hội thảo, liên kết để nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đã tổ chức hội thảo liên kết “4 nhà” về sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh, có 65 người tham dự. Qua hội thảo có đại diện của 16 tổ hợp tác ký hợp đồng ghi nhớ với cơ sở Hương Miền Tây và Công ty TNHH BAYER Việt Nam. Trong đó, cơ sở Hương Miền Tây đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 7 tổ hợp tác tại 7 xã và 1 hợp tác xã gồm: HTX bưởi da xanh Giồng Trôm, THT Thành Triệu, Tiên Thủy, An Hiệp, Quới Sơn, Hữu Định, huyện Câu Thành; Nhơn Thạnh, Sơn Đông, thành phố Bến Tre.

Bến Tre: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng bưởi da xanh

Bến Tre nổi tiếng với những trái bưởi da xanh chất lượng. Ảnh: Nông Nghiệp

Điều rất đáng ghi nhận là ngoài đầu tư về kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, các tổ hợp tác còn tiến hành liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm rất hiệu quả. Điển hình như Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, có diện tích 17,5 ha, bao gồm 4 ấp Nhơn Nghĩa, Nhơn An, ấp 3, ấp 4, có 33 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, có tổng diện tích 47,6 ha, có 80 hộ tham gia, thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP 18 hộ, diện tích 8,5 ha, năng suất đạt 12,5 tấn so với không thực hiện theo VietGAP chỉ đạt 8 tấn (đại trà). Lợi nhuận: 275 triệu/160 triệu đồng/ha/năm (đại trà).

Cơ sở thu mua xuất khẩu bưởi da xanh Hương Miền Tây sẽ lần lượt góp tiền mỗi năm tương ứng với 50% và 75% cùng với tổ viên trong những năm sau để chi phí việc tái chứng nhận. Đây là mô hình liên kết có: nhà nông, nhà khoa học, nhà thu mua sản phẩm bưởi da xanh đạt chứng chỉ GlobalGAP đầu tiên của tỉnh Bến Tre.

Tuy nhiên, các tổ hợp tác liên kết mới hình thành đa số chưa có kinh nghiệm và kỹ năng quản trị, nên hoạt động chưa đều, hiệu quả chưa cao. Nhiều tổ chưa có kinh nghiệm trong tổ chức điều hành, kinh doanh, mua bán nên chưa có khả năng cạnh tranh và chi phối địa bàn, thường lúng túng trước sự cạnh tranh quyết liệt, thay đổi giá mua liên tục của thương lái ngoài liên kết. Do đó, kết quả hoạt động còn khiêm tốn, sản lượng ký kết tiêu thụ của các tổ chiếm tỷ lệ khá thấp.

Doanh nghiệp tham gia liên kết trước mắt chưa đạt hiệu quả kinh tế, chi phí cho quản lý phân xưởng khá lớn. Chưa huy động hết lực lượng tại chỗ, trong khi nhân lực của doanh nghiệp phân bổ xuống địa bàn rất hạn chế. Thị trường luôn biến động phức tạp hàng ngày, các cơ sở thu mua, chế biến luôn bị động về giá mua bán, bản thân doanh nghiệp chưa có khả năng chi phối giá thị trường.

Hoạt động phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ; cán bộ ở xã (Hội Nông dân, Chi hội) và cán bộ của Công ty trực tiếp theo dõi thực hiện mô hình liên kết chưa có kinh nghiệm, nên cách làm từng nơi có sự khác biệt. Nhiều nơi, lãnh đạo xã rất tích cực lúc vận động xây dựng tổ liên kết, nhưng sau đó ít quan tâm theo dõi, hỗ trợ để các tổ cùng doanh nghiệp hoạt động, không kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Để việc liên kết tiêu thụ đem lại hiệu quả trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực hoạt động cho ban quản lý tổ về kỹ năng quản trị và tuyên truyền về vai trò của hợp tác liên kết trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp tục vận động các doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết nhằm tránh độc quyền. Các bên tham gia cần phối hợp thực hiện một cách kiên trì, nhất là cần sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo xã. Cần lồng ghép, gắn mô hình liên kết với thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện  chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Nghiên cứu lập nhóm chuyên môn theo dõi hoạt động các tổ để hỗ trợ, tư vấn kịp thời góp sức giải quyết những khó khăn trong thực tế.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang