Bịa kết quả nghiên cứu tế bào gốc gây rúng động

author 10:26 04/04/2014

(VietQ.vn) – Haruko Obokata – tác giả đứng đầu hai công trình nghiên cứu về tế bào gốc hiện đang bị cáo buộc về những gian lận trong nghiên cứu bao gồm cả “bịa đặt kết quả “ và “đạo văn”.

Mới đây, cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Nhật đã cáo buộc cô Haruko Obokata- tác giả đứng đầu công trình về tế bào gốc STAP (được ca ngợi là thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực Y sinh học) về những hành vi sai trái liên quan đến việc giả mạo, tuy nhiên nhà khoa học này đã gọi đây là những cáo buộc không thể chấp nhận được.

Hai bài báo được đăng trên tạp chí khoa học Nature hồi tháng 1 công bố về các cách đơn giản để biệt hóa các tế bào trưởng thành trở về các tế bào gốc có trạng thái giống như  tế bào gốc phôi thai. Tế bào gốc này lại có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào tạo nên các mô và các bộ phận trong cơ thể sống.

Bước tiến vượt bậc này có thể đem lại hy vọng về một cách đơn giản hơn để thay thế những tế bào hỏng hoặc tạo nên các bộ phận của cơ thể người, thay thế các cơ quan bị hỏng do bệnh tật.

Tuy nhiên, giới chuyên môn đã phát hiện ra những điểm thiếu tự nhiên trên hình ảnh trong 2 bài báo cùng với những lời đồn đại trên Internet về nghi vấn xung quanh việc trích dẫn câu chữ từ một luận văn khác mà không được phép. Sự cố này khiến Trung tâm nghiên cứu lý hóa Nhật Bản RIKEN và tạp chí Nature phải lập một ủy ban điều tra vụ việc. Ủy ban này cho rằng, một trong 2 bài báo đã tái sử dụng những hình ảnh liên quan đến một luận án tiến sỹ viết cách đây 3 năm của cô Haruko Obokata - tác giả đứng đầu cuộc nghiên cứu.

Hình từ luận án tiến sĩ của Obokata (dưới) đã được tái sử dụng trong bài báo tại Nature (trên)

Hình từ luận án tiến sĩ của Obokata (dưới) đã được tái sử dụng trong bài báo tại Nature (trên)

Ông Shunsuke Ishii, trưởng ban điều tra các sai phạm trong nghiên cứu này phát biểu trong một cuộc họp báo rằng những hành động kiểu này đã hoàn toàn phá hủy độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu. Ông cũng cho rằng cô Obokata chắc hẳn phải nhận thức đầy đủ về vấn đề này trước đó, do vậy đây là một hành vi cố tình vi phạm đạo đức nghiên cứu bao gồm cả tội “đạo văn”.

Trong một tuyên bố, Obokata nói rằng cô sẽ sớm đệ đơn khiếu nại RIKEN và thách thức những cáo buộc.

Cô nói: “Tôi đang vô cùng sửng sốt và phẫn nộ. Nếu mọi chuyện cứ tiếp tục thế này thì hiểu lầm có thể nảy sinh rằng việc phát hiện ra các tế bào STAP là giả mạo. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

Haruko Obokata

Haruko Obokata

Obokata (sinh năm 1983), thuộc Trung tâm nghiên cứu lý hóa Nhật Bản RIKEN, là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu về tế bào đa năng được tạo bởi kích hoạt kích thích (Stimulus-Triggered Acquisition of Pluripotency) hay còn gọi là tế bào STAP.

Obokata đã trở nên nổi tiếng ở Nhật Bản ngay sau khi các bài báo về nghiên cứu của cô được đăng tải, với hình ảnh cô xuất hiện trên truyền hình trong chiếc áo tạp dề truyền thống thay vì áo khoác phòng thí nghiệm hay hình ảnh cô làm việc trong phòng thí nghiệm tường sơn màu hồng.

Theo các bài báo trên tạp chí Nature cũng như các cuộc họp giao ban báo chí, Obokata và các đồng sự đã lấy tế bào da và tế bào máu, để chúng tự nhân lên và làm cho chúng bị ép “gần như đến điểm chết” bằng cách đưa chúng vào các môi trường khắc nghiệt như chấn thương, nồng độ oxy thấp hay môi trường axit.

Chỉ trong vài ngày, các nhà khoa học – gồm có các nhà nghiên cứu Nhật Bản cùng với những nhà nghiên cứu khác từ Bệnh viện Brigham và Phụ nữ và Trường Y Harvard (Mỹ) – đã cho biết họ phát hiện các tế bào không chỉ sống sót mà còn phục hồi bằng cách tự nhiên quay trở lại trạng thái tương tự một tế bào phôi gốc. Các tế bào này sau đó có khả năng phân hóa và phát triển thành các loại mô và tế bào khác nhau, tùy thuộc vào môi trường chứa các tế bào đó.

RIKEN không hề thừa nhận cũng không phủ nhận sự tồn tại của tế bào STAP, tuy nhiên trung tâm này cho biết đã dự định bắt tay vào quá trình xác minh xem những tế bào này có thật hay không.

Quá trình này sẽ được dẫn dắt bởi Chủ tịch RIKEN Ryoji Noyori – người đoạt giải Nobel hoá học năm 2001 và có thể mất 1 năm để hoàn thành.

Theo kết luận của ủy ban điều tra, ông Noyori nói rằng việc để xảy ra những lỗi nghiêm trọng trong công trình nghiên cứu trên là cực kỳ đáng tiếc. Ông cũng một lần nữa gửi lời xin lỗi vì đã những bài báo đăng bởi các nhà nghiên cứu của RIKEN đã gây phương hại đến độ tin cậy của cộng đồng khoa học.

Các đại diện của RIKEN cúi đầu xin lỗi công chúng

Các đại diện của RIKEN cúi đầu xin lỗi công chúng

RIKEN có thể mở cuộc tái điều tra lại vụ việc trong trường hợp có đơn kháng cáo. Tuy nhiên cơ quan này cũng cho biết vẫn chưa quyết định hình thức kỷ luật đối với nhà nghiên cứu.

Bùi Ly

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang