Bphone 'nổ' to rồi chìm nghỉm, vì sao CEO Nguyễn Tử Quảng thua đau?

author 11:16 22/04/2016

(VietQ.vn) - Vì lẽ gì mà sau một năm ra mắt, chiếc điện thoại Bphone của Bkav gần như đã đi vào quên lãng, ít người hỏi mua, các cửa hàng không có bán?

Giám đốc VTC Intecom: May mà không mua Bphone!

Còn nhớ vào tháng 6/2015, Giám đốc VTC Intecom Nguyễn Thanh Hưng sau khi chứng kiến Bkav vung tay chi tiền làm truyền thông để quảng bá sản phẩm Bphone trong buổi lễ ra mắt vào cuối tháng 5, ông đã có ý tưởng mua điện thoại này thưởng cho nhân viên.

Thế nhưng sau khi gặp gỡ đối tác Bkav đặt mua 550 chiếc Bphone thì được đối tác trả lời “phải đến tháng 8 mới có hàng”, trong khi lúc đó mới là tháng 6.

Khi ấy, ông Hưng đã tỏ rõ sự thất vọng với cách làm việc của Bkav bởi họ làm truyền thông rầm rộ nhưng sau đó lại không có Bphone để bán, dù chỉ là một vài chiếc. “Bkav hứa thời điểm giao hàng sau tháng 8, thời gian đó bị lùi mấy tháng so với thời điểm công ty muốn tặng quà nhân lễ kỷ niệm cho nhân viên, công ty chúng tôi không đạt được mục đích nên thôi, sau phải đổi sang sản phẩm khác” – ông Hưng nói.

Sau gần 1 năm kể từ ngày Bphone ra mắt, cho tới hôm nay, trên thị trường vẫn vắng bóng hình ảnh của Bphone, thậm chí có nhiều người đặt dấu chấm hỏi: Những chiếc Bphone đã được bán đang ở đâu trong số gần 90 triệu dân Việt?

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc VTC Intecom cho rằng: Việc “mua hụt” Bphone vào năm 2015 có lẽ lại là một chuyện may. 

“Nhìn chung, thời gian đầu do PR tốt, chúng tôi cũng định ủng hộ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, do người Việt sản xuất nhưng đúng là hồi đó nếu mua tặng anh em, giả dụ anh em không dùng được, chất lượng kém quá hay không xứng đáng với số tiền đó thì cũng không hay”- ông Hưng nhận xét.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc VTC Intecom: "Mua hụt" Bphone cũng là chuyện may!

Cũng như đánh giá của nhiều người, ông Hưng thừa nhận: Đúng là Bphone khá vắng bóng trên thị trường. Ông nói: Sau vụ “vỡ” kế hoạch mua Bphone cho nhân viên, “về sau tôi cũng không tìm hiểu, Bkav cũng không truyền thông nhiều nên tôi không biết thông tin gì nữa”. 

Nhằm đo “độ phủ” của sản phẩm công nghệ “siêu phẩm thế giới” made in Vietnam này, PV đã dạo quanh một vòng các siêu thị như Media Mart, Thế Giới Di Động, các cửa hàng bán smartphone, các tiệm mua cũ – đổi mới điện thoại quanh địa bàn Hà Nội nhưng chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu: “Ở đây không bán”, “ở đây không có”.

Đại diện bộ phận bán hàng của cửa hàng Ngọc Mobile (Cầu Giấy, Hà Nội) thẳng thắn: “Bạn có đi khảo sát cả phố Thái Hà cũng sẽ thấy: Chẳng có cửa hàng nào bán Bphone vì khách hàng chẳng ai hỏi mua thì cửa hàng lấy về làm gì. Họ PR mạnh nhưng sau đó thì “xìu”. Tính năng không đáp ứng được nhu cầu người dùng mà giá thành lại cao, hoàn thiện cấu hình của Bphone chưa được tốt.

Với mức giá của một chiếc Bphone thấp nhất khoảng trên 7 triệu, người ta có thể mua nhiều điện thoại tốt hơn nhiều, riêng với những hàng xách tay cùng giá, Bphone chắc không thể đọ được!”.

Khi ra mắt Bphone - sản phẩm di động đầu tiên của công ty chuyên về phần mềm bảo mật, Bkav có cách tiếp cận thị trường khác so với số đông thương hiệu tại Việt Nam. Công ty này tuyên bố chỉ bán hàng qua mạng và thậm chí không có sản phẩm trải nghiệm tại các cửa hàng. 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2015, sau chưa đầy nửa năm đi vào kinh doanh, từ chỗ tuyên bố chỉ bán trực tuyến để chủ động nguồn hàng, nay Bphone cũng đã được "ra chợ" như nhiều thương hiệu khác. Khi chiếc di động ồn ào nhất Việt Nam lên kệ, nhiều nhà bán lẻ lớn tiết lộ, Bkav đã tiếp xúc với nhiều hệ thống để "ký gửi" Bphone. 

Bkav cũng đã xác nhận: Họ chính thức bán lẻ Bphone, thông qua một số hệ thống phân phối như Hoàng Hà Mobile, CellphoneS hay Nhật Cường Mobile.

Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận, Bphone gần như đã “chìm nghỉm” trên thị trường, nếu không muốn nói là “mất tích” - Điều này không như những kì vọng trước đó của giới công nghệ và lập trình viên Việt Nam rằng: Bphone sẽ đưa làng di động trong nước đi lên. 

Thậm chí, có thời điểm, giới công nghệ đưa ra những hình ảnh để minh chứng cho việc Bphone phải “xuống đường” đứng bán dạo khi xuất hiện quầy “Trải nghiệm Bphone” của công ty Bkav tại một số tòa nhà trên địa bàn Hà Nội.

Vì sao Bkav thua đau với "siêu phẩm" Bphone?

Lý giải về thất bại của Bphone, theo đại diện của Ngọc Mobile: “Bkav thất bại vì bán online mà không có nhiều hệ thống chuỗi cửa hàng dẫn tới khả năng tiếp cận với người dùng rất khó”. 

Vị này giải thích: “Giả dụ bạn là người muốn mua điện thoại, bạn đã xem trên mạng nhưng vẫn muốn có đơn vị phân phối nào đó thuận tiện để đến xem tận mắt sản phẩm, muốn trải nghiệm thực tế xem nó “chạy” ngon không nhưng Bkav không có thì làm sao khách mua, Bkav không thể thuyết phục được người ta bỏ tiền”.

Đại diện của Ngọc Mobile cũng nêu quan điểm: Trong kinh doanh, doanh nghiệp muốn bán sản phẩm gì ít nhất phải có showroom. Thứ hai, các sản phẩm cần xuất hiện tại cửa hàng và các chuỗi phân phối thì sức mua sẽ lan tỏa hơn, còn bán online, khách hàng chỉ có thể đăng ký và cầm trên tay chiếc điện thoại khi hãng giao sản phẩm tại nhà mà thôi! 

Với cách làm như Bkav hiện nay, người tiêu dùng sẽ không biết sản phẩm của mình như thế nào vì nó đã không thông dụng ngoài thị trường lại cũng không được bày bán rộng rãi.

Bphone từng phải đi tiếp thị "dạo" vì ế ẩm, doanh thu bết bát? Ảnh: Internet.

Blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long từng nhận định: Bkav gặp 2 “phốt” lớn, đó là việc dân công nghệ "bóc mẽ" BOS là một hệ điều hành chưa hoàn thiện và phản hồi không tích cực của một số khách hàng sau khi trải nghiệm thực tế Bphone. Ông Long cũng nhận xét: Thực ra, chiến lược truyền thông bằng cách "nổ tung trời" của CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng đã có tác dụng tốt. Nhưng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới khủng hoảng. 

“Vì khi anh "nổ", tức là anh đẩy sự kỳ vọng của khách hàng lên tận trên trời. Thế thì khi cầm trên tay sản phẩm, họ sẽ rất dễ thất vọng cho dù sản phẩm của anh không tệ. Họ thất vọng chỉ vì đã đặt kỳ vọng vào nó quá nhiều” – ông Long phân tích.

Có thể nói, sau sự kiện ra mắt được quảng bá một cách rầm rộ, truyền thông Bkav suốt 1 năm sau đó lại tỏ ra khá im ắng. Để ghi nhận những kết quả mà Bkav thu được từ chiếc smartphone được mệnh danh là siêu phẩm của người Việt, PV Chất lượng Việt Nam đã liên hệ với bà Nguyễn Thảo Diễm Hằng – cán bộ phụ trách đối ngoại của Bkav.

Tuy nhiên, bà Hằng chia sẻ: Bà sẽ không tiết lộ doanh thu hay số lượng hàng bán ra của Bphone trong suốt gần 1 năm qua.

“Thất bại hay không là do cách nhìn nhận của mọi người, Bkav không đánh giá về việc này, không trả lời về việc này” – bà Hằng từ chối bình luận với báo chí. Vị đại diện của Bkav nhấn mạnh: Thời điểm này chưa phù hợp để trả lời những vấn đề trên.

Xem ra với cách “né” báo chí như trên, Bkav đang vô tình thừa nhận sự yếu thế của mình trong làng công nghệ, mục đích làm cuộc “cách mạng” đánh vào thị trường smartphone cao cấp ở Việt Nam của Bkav khi sản xuất Bphone coi như thất bại?! Tham vọng của ông Quảng về việc “thay đổi suy nghĩ tự ti của rất nhiều người” về sản phẩm của Việt Nam xem ra cũng chỉ là giấc mơ xa vời?!

>> Đề xuất nhập gà Trung Quốc: Các chuyên gia kinh tế lo ngại điều gì?

Dương Phương Ngọc


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang