Chào bán VietGap giả: ‘Đình chỉ VinaCert 1 năm là quá nhẹ’

authorDương Phương Ngọc 14:16 14/07/2016

(VietQ.vn) - Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị HN nói: Với hành vi làm chứng nhận VietGap giả, đình chỉ VinaCert 1 năm là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

VietGAP được coi là chứng chỉ niềm tin khi mua bán các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nông sản. Tuy nhiên, mới đây, việc ngang nhiên kê khống, chào bán chứng nhận VietGap, quy trình "nhảy cóc" được tư vấn công khai đã bị phanh phui với mức giá từ 45 – 90 triệu (tùy mức độ "khai khống"), đã khiến dư luận hết sức hoang mang.

Cách đây ít ngày, Công ty cổ phần giám định và chứng nhận VinaCert là doanh nghiệp được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn chỉ định thẩm định và cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đã bị phát hiện có hành vi chào bán giấy chứng nhận này. Từ chỗ một đơn vị muốn đặt chứng nhận VietGAP phải mất ít nhất bốn tháng, nhân viên của VinaCert đã rút ngắn xuống chỉ còn khoảng một tháng rưỡi, bằng cách làm khống nhiều tiêu chí.

Vụ tranh chấp giữa BigC Đà Nẵng và chủ tòa nhà: Chờ quyết định của Trung tâm trọng tài quốc tế(VietQ.vn) - Đại diện của BigC cho biết: Vụ tranh chấp giữa BigC Đà Nẵng và chủ tòa nhà đã được Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam thụ lý theo quy định.

Cục Trồng trọt xác định đây là hành vi không đúng và lập tức đình chỉ VinaCert một năm không được tham gia cấp chứng nhận này. Hình thức kỷ luật này, theo chính đại diện Cục Trồng trọt, là quá nhẹ đối với hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng.

Thậm chí, nhân viên VinaCert còn cấp khống hồ sơ, có thể cấp chứng nhận khống hoàn toàn, nghĩa là không có lúa nhưng vẫn có thể được cấp chứng nhận lúa VietGap hoặc mang nguyên bộ quy chuẩn xét tiêu chuẩn VietGAP từ nhóm hàng thủy sản sang áp dụng cho heo.

Không quá ngạc nhiên về “vấn nạn” này, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội bày tỏ: “Không có chuyện làm VietGap giả mới là việc đáng ngạc nhiên, chứ có chuyện VietGap giả là tất yếu vì luật pháp kỷ cương chưa nghiêm, sẽ có nhiều cái giả nữa”.

Ông Phú lấy ví dụ: Trong đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo Xuân Đỉnh vừa qua, đoàn kiểm tra đã phát hiện một cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, lẽ ra khi đơn vị sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng phải đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nhưng trong trường hợp này, cơ quan quản lý thị trường chỉ tới phạt 5 triệu đồng rồi bỏ đi. Phải thừa nhận rằng: Nếu đơn vị này làm ăn tử tế thì không có chuyện bánh trung thu dởm, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

 Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội. Ảnh: Internet.

Còn nhớ, vào năm 2014, báo chí phanh phui chiêu trò biến rau không rõ nguồn gốc thành rau sạch của Công ty TNHH sản xuất và chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) nhiều lần. Tuy nhiên, sau đó, không hiểu vì lý do gì mà các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Metro, Lotte Đống Đa…vẫn cố tình nhập rau của công ty này về bán bất chấp cảnh báo.

Phó Giám đốc Công ty RAT Ba Chữ thừa nhận: Thời gian qua, họ có trà trộn rau từ chợ đầu mối vào siêu thị, tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại chưa có biện pháp xử phạt nghiêm minh để chấm dứt tình trạng này.

Chứng minh rõ nhất cho việc thẩm định, cấp chứng nhận còn lỏng lẻo, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm còn sơ hở là mới đây, 80 con heo đạt chứng nhận VietGAP đưa về lò mổ của Công ty Vissan thì bị phát hiện tồn dư chất cấm. Việc điều tra đường đi của những con heo này cho thấy, quá trình kiểm soát còn quá nhiều kẽ hở, việc kiểm tra chỉ tiến hành khi có kế hoạch, heo tại trại dù đạt GAP nhưng vào tay thương lái lại thành heo nhiễm chất cấm… chẳng thể kiểm soát được.

Do đó, ông Phú cho rằng: Mức phạt của luật pháp Việt Nam không đủ sức răn đe. Với hành vi làm giả giấy chứng nhận VietGap, việc đình chỉ VinaCert 1 năm không ăn thua, trong khi, cũng với sai phạm này, các nước trên thế giới thường đình chỉ vĩnh viễn.

“Đây là hiện tượng xã hội của Việt Nam, trong kinh tế, trong đời sống, bằng giả, tiền giả, VietGap giả rất nhiều. Chúng ta phải nghiêm trị. Để cho phát triển quá nhiều nhóm ngành, nhiều lĩnh vực là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, việc thực thi luật thế nào, nghiêm trị ra sao để các đơn vị sản xuất không dám làm giả nữa – đó là điều chúng ta cần trăn trở” – ông Phú nói.

Vị nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (Nay là sở Công thương Hà Nội), nguyên Phó ban Phòng chống buôn lậu TP Hà Nội này nhận xét: Cách quản lý của Việt Nam rất thô sơ, cũ kỹ và không hiệu quả, dễ dẫn tới tham nhũng.

Trong khi, trách nhiệm của kỷ cương nhà nước chiếm tới 70%, không thể đổ lỗi hết cho doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải phạt làm sao để “chặt tay dứt điểm”, đưa ra một mức “án tử hình”, một cái kết buồn cho doanh nghiệp để họ không dám làm nữa, chứ đừng “phạt rồi cho tồn tại”, phạt mấy chục triệu so với lời nhuận hàng tỷ thì không thể chấm dứt được các vấn nạn trong hoạt động kinh doanh – xã hội.

“Có 3 cái kém của Việt Nam đó là cán bộ thực thi lỏng lẻo, văn bản không đầy đủ và thứ ba là kỷ cương kém. Lỏng từ con người tới cả bộ máy, chứ không chỉ hỏng từ một tờ giấy, hỏng từ trong hỏng ra. Và người thiệt nhất vẫn luôn là người tiêu dùng” – ông Phú bày tỏ.

Vì vậy, theo ông Phú: Muốn làm tốt vệ sinh an toàn thực phẩm phải làm trong sạch đội ngũ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước, giống như muốn bảo vệ rừng thì kiểm lâm phải trong sạch trước hết.

“Hiện nay nhiều kiểm lâm trở thành “lâm tặc hóa” mất rồi! Vì vậy, chúng ta cần chấn chỉnh lại kỷ cương, trách nhiệm và cái tâm của những người thực hiện. Đó là điều quan trọng” – ông Phú chia sẻ.

 Khi giấy chứng nhận VietGap giả hoành hành, siêu thị cũng khó để phân biệt. Ảnh minh họa.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Khi giấy chứng nhận VietGap giả hoành hành, các siêu thị sẽ rất khó để kiểm soát bởi lẽ, thứ nhất, việc phân biệt VietGap giả hay VietGap thật không dễ dàng cho ngành bán lẻ. Thứ hai là, siêu thị không đủ người, đủ “tai mắt” để theo dõi.

“Siêu thị không có bộ phận để thường xuyên kiểm tra ở vườn rau. Trong khi, nếu chỉ kiểm tra giấy tờ VietGap thì người của siêu thị cũng không thể biết được đâu là giả, đâu là thật.. Siêu thị chỉ có trách nhiệm kiểm tra 5% còn đơn vị đưa sản phẩm vào chịu trách nhiệm là 95%.

Đã đặt bút ký rau VietGap là họ phải chịu trách nhiệm đó là rau VietGap, nếu không đúng, họ phải đi tù, phải quy trách nhiệm rõ ràng như vậy. Ở các nước khác, các cơ quan chức năng chỉ “tóm cổ” những tên giám sát, chứ không “lột cổ” nhà đầu tư và những người thi công” – ông Phú lý giải.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang