Coca cola - từ tên gọi tới bản sắc

author 06:55 05/04/2014

(VietQ.vn) – "Coca-Cola không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống. Nó là một ý tưởng, một tầm nhìn và một cảm xúc". Có lịch sử hơn 100 năm, Coca cola dần khẳng định mình và trở thành thương hiệu toàn cầu.

 

Coca cola

Coca-Cola trở thành thương hiệu toàn cầu

Một đồ uống có từ hơn trăm năm nay vẫn giữ được ưu thế về thương hiệu so với những biểu tượng của công nghệ hiện đại. Một công thức pha chế thông thường mà vẫn đắt giá. Trong hàng ngàn các sản phẩm thị trường, Coca cola vẫn đứng vững và là biểu tượng cho thời hiện đại và khả năng sáng tạo của con người trên trái đất. Vì sao vậy ? Câu trả lời có lẽ ở chỗ đồ uống này không phải chỉ là một thứ giải khát thuần tuý, mà đã trở thành một phần bản sắc văn hoá Mỹ.

Ông Joe Tripodi, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Tiếp thị và Thương mại của Coca-Cola, chia sẻ: “Sự sáng tạo đã và luôn là trái tim của thương hiệu chúng tôi. Nó là nguồn nhiên liệu cho doanh nghiệp”

Sự ra đời của Coca Cola có phần từ truyền thống và có phần rất ngẫu nhiên. Đồ uống ấy được chính thức khai sinh ngày 27/5/1886,  nhưng mãi một năm sau thì nó mới chính thức mang cái tên gọi Coca Cola.  Trước khi trở thành thương hiệu đồ uống được ưa thích nhất thế giới, Coca-Cola đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn.

Cha đẻ của Coca-Cola là dược sĩ John Styth Pemberton, chủ một phòng thí nghiệm và hiệu thuốc tư nhân với mục đích ban đầu là chế tạo ra một loại siro có tác dụng giảm nhức đầu, mệt mỏi. Tuy nhiên, chính bản thân ông cũng không ngờ là đã mang lại cho thế giới một thứ đồ uống giải khát tuyệt hảo đến thế.

Sau khi sáng chế ra Coca-Cola, Pemberton rất vui sướng và đã đi khắp nơi chào bán loại nước uống này, đặc biệt tại các quán "Soda-bar" đang thịnh hành ở thành phố Atlanta. Tuy nhiên, Pemberton đã rất thất vọng vì không ai chịu uống thử Coca-Cola. Nó có màu nâu đen và mọi người đều coi đó là thuốc chứ không phải một loại nước giải khát đơn thuần. Công thức Coca-Cola chỉ thực sự trở thành nước giải khát nhờ một nhân viên trong quán bar "Jacobs Phamarcy" khi nhân viên này đã nhầm lẫn pha siro Coca-Cola với nước soda thay vì nước lọc bình thường theo công thức của Pemberton.

Loại Coca-Cola được pha nhầm đó lại ngon miệng hơn bình thường, làm sảng khoái khác thường và lúc đó Coca-Cola mới có thể phục vụ số đông người tiêu dùng. Từ đó quán bar này mỗi ngày pha và bán được từ 9 đến 15 ly Coca-Cola. Tuy nhiên, cả năm đầu tiên Pemberton mới chỉ bán được 95 lít siro Coca-Cola.

Vậy mà ngày nay thương hiệu Coca-cola luôn là thương hiệu nước ngọt bán chạy hàng đầu và tất cả mọi người trên thế giới đều yêu thích Coca-cola hoặc một trong những loại nước uống hấp dẫn khác của tập đoàn. Tập đoàn Coca-cola đã thành công trong công cuộc mở rộng thị trường với nhiều loại nước uống khác nhau ban đầu là nước có gas, và sau đó là nước trái cây, nước tăng lực cho thể thao, nước suối, trà và một số loại khác.

Hầu hết các sản phẩm trên thế giới đều phải liên tục cải tiến công nghệ sản xuất nếu muốn giữ vững vị trí và phát triển đi lên. Coca-Cola là một trong số rất ít sản phẩm đã luôn trung thành với công thức hoàn hảo ban đầu mà vẫn hấp dẫn khách hàng của mình trong hơn một thế kỷ qua.

Vậy chiến lược của Coca Cola là gì? Chiến lược của Coca cola tập trung vào 3 lĩnh vực chính yếu, đó là nhận dạng thương hiệu, trải nghiệm của người sử dụng và tính bền vững.

Kiểu dáng đóng chai của Coca-Cola đã thay đổi nhiều lần trong lịch sử 125 năm nhưng logo thương hiệu thì vẫn giữ nguyên.

thương hiệu Cocacola

Logo thương hiệu vẫn giữ nguyên sau hơn 1 thế kỷ

Đông thời, Chiến lược của Coca cola không phải là đầu tư dàn trải mà tập trung vào các thị trường chủ chốt. Mục tiêu của hãng là chiếm lĩnh những thị trường lớn chứ không phải dàn trải thị trường của mình trên toàn thề giới. Theo Coca cola, hãy có chỗ đứng kiên vững với các thị trường truyền thống rộng lớn trước đã, sau đó mở rộng sang các thị trường nhỏ hơn. Vì thế, tại các thị trường truyền thống rộng lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Châu Âu, biểu tượng của Coca cola luôn vững vàng và lưu dấu ấn với hầu hết mọi người.

Khi nhắc đến thành công của Coca Cola, chúng ta không thể không nhắc đến thời kỳ Coca cola “chân ướt chân ráo” bước vào và dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.  Coca Cola bắt đầu biết đến tại Việt Nam từ năm 1960 tuy nhiên phải 30 năm sau, năm 1994 mới bắt đầu chính thức kinh doanh. Khi mới đặt chân vào Việt Nam, Coca Cola đối đầu ngay với đối thủ sừng sỏ Pepsi. Ngay lập tức người tiêu dùng Việt Nam được chứng kiến cuộc thư hùng giữa hai đối thủ “truyền kiếp” là Pepsi và Coca-cola.

Chiến tranh giữa hai gã khổng lồ bắt đầu vào năm 1996. Cả hai tung ra rất nhiều hoạt động khác nhau thông qua những chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi như thay đổi bao bì sản phẩm, chiết khấu cho đại lý, cắt giảm giá thành, tặng quà hoặc tăng mức tính dụng cho đại lý. Kết quả là những chiến dịch này đã mang đến những khoản lỗ khổng lồ cho cả hai nhãn hiệu từ năm 1996 đến năm 2000. Với việc lỗ triền miên, Coca-Cola dần dần loại bỏ từng đối tác Việt Nam để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.

Việt Nam chỉ là một thị trường nhỏ mà Coca Cola chiếm lĩnh. Hơn 100 năm kể từ ngày thành lập, Coca-Cola vẫn luôn phản chiếu những bước chuyển của thời gian, luôn bắt nhịp với những đổi thay chưa từng thấy của toàn cầu. Từ Châu Âu, nơi một thị trường hợp nhất đang mang đến những cơ hội hết sức hấp dẫn, đến Châu Mỹ La-tinh, nơi những nền kinh tế đang hồi phục cho phép khai thác những tiềm năng đầy hứa hẹn, Coca-Cola luôn thể hiện sự lôi cuốn tuyệt vời. Thế kỷ trước đã chứng kiến những bước tiến ngoạn mục trong lịch sử nhân loại. Thế kỷ này tiếp tục hứa hẹn những phát triển trọng đại hơn nữa. Và trong những giai đoạn biến chuyển đó, vẫn luôn luôn có một sự bất biến rằng nhu cầu giản đơn của mọi người “được giải khát cho sảng khoái” đã, đang và sẽ được Coca-Cola đáp ứng tốt hơn bất kỳ sản phẩm nào khác từng được tạo ra. Tự tin bước tới thế kỷ mới, Coca-Cola vẫn sẽ là biểu tượng trường tồn, một biểu tượng về chất lượng, sự chính trực, giá trị, sảng khoái và nhiều hơn thế nữa.

Hương Nguyễn


 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang