Đại án Huỳnh Thị Huyền Như: Vì sao hoãn phiên tòa xét xử giai đoạn 2?

authorHuyền Bùi 14:15 02/01/2018

(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ án ‘siêu lừa’ nghìn tỷ Huỳnh Thị Huyền Như, mới đây TAND TP. HCM đã hoãn phiên xét xử giai đoạn 2 đối với vụ án này và chưa có thông báo cụ thể về thời gian xét xử.

Ngày 1/1, lãnh đạo TAND TP.HCM xác nhận phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ được hoãn. Thời gian đưa vụ án ra xét xử lại chưa có thông báo cụ thể.

Zing dẫn lời luật sư Phạm Minh Tâm (một trong số luật sư tham gia vụ án) cho biết, ông vừa được thông báo phiên tòa sẽ hoãn xử, tuy nhiên chưa biết lý do về quyết định này.

Theo thông tin trước đó, vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 2 - 5/01 do Phó chánh Tòa hình sự Huỳnh Anh Kiệt làm Chủ tọa.

dai-an-huynh-thi-huyen-nhu-vi-sao-hoan-phien-toa-xet-xu-giai-doan-2

 Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như. Ảnh: Zing

Theo cáo trạng, từ ngày 19/11/2010 - 27/5/2011, dưới sự chủ trì của Lê Quang Trí (cựu Tổng giám đốc Navibank), các thành viên hội đồng tín dụng của Navibank đã chấp thuận chủ trương để các nhân viên của ngân hàng này đứng tên 47 hợp đồng vay hơn 1.500 tỷ đồng của Navibank.

Sau đó, các hợp đồng trên được đem gửi vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM để lấy lãi suất cao theo thỏa thuận của Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên là Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank) và Võ Anh Tuấn (nguyên là Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) là 16,5%/năm đến 22,5%/năm.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như: Truy tố 12 bị can(VietQ.vn) - Liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng, truy tố 12 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng.

Ngày 27/5/2011, 10 bị can đã làm hợp đồng tín dụng cho nhân viên vay tiền, thực hiện giải ngân, làm hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.

Tháng 7/2011, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè quyết toán cho Navibank hơn 1.000 tỷ đồng, còn 500 tỷ đồng chưa đến hạn quyết toán. Số tiền này được gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM bằng 18 hợp đồng. Đến ngày 7/9/2011, Vietinbank chi nhánh TP.HCM đã tất toán 12 hợp đồng với tổng số tiền 300 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng còn lại đã bị Như chiếm đoạt.

Theo đó, năm 2014, TAND TP.HCM kết luận Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của nhiều khách hàng. Sau đó, tại phiên xử phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP.HCM hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2017, Tòa phúc thẩm tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của Như và đồng phạm có dấu hiệu tham ô tài sản. Tuy nhiên, đến nay, VKSND Tối cao tiếp tục giữ quan điểm truy tố Như và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiện, Huyền Như chấp hành án tù chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng xảy ra tại VietinBank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam. Đây là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất tại Việt Nam trong lịch sử hiện đại, với 23 bị cáo, và 47 luật sư bảo vệ cho bị cáo cũng như nguyên cáo. Nếu xét về số tiền thiệt hại, tuy không bằng Vụ án EPCO - Minh Phụng, nhưng mức độ thiệt hại thực tế thì lại là lớn nhất từ trước đến nay (nguy cơ mất trắng hàng nghìn tỷ). Thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2007 đến thời điểm khởi tố (tháng 9/2011). Tổng số tiền các đối tượng đã huy động trong vụ án này lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trần Minh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang