Đổi mới giáo dục phải hướng tới “thực học” và “dân chủ”

author 06:27 25/07/2013

(VietQ.vn) - Đó là ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII khi trao đổi với Chất lượng Việt Nam về đổi mới trong giáo dục.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đổi mới giáo dục phải hướng tới “thực học” và “dân chủ”
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đổi mới giáo dục phải hướng tới “thực học” và “dân chủ”

Vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn khẳng định năm 2015 mới đổi mới tuyển sinh. GS đánh giá như nào về tuyên bố này?

Trước khi đổi mới tuyển sinh thì phải có ít nhất một năm để các các cơ quan chức năng của Bộ nghiên cứu đề xuất phương án, lấy ý kiến đóng góp của các cơ sở giáo dục và người dân… Mặt khác, chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mà việc đổi mới tuyển sinh sẽ là một nội dung trong đó. Hiện nay Trung ương vẫn chưa ra được Nghị quyết, việc đổi mới tuyển sinh không thể đi một mình một đường, đến khi Nghị quyết Trung ương ra thì nó lại không phù hợp. Bởi thế tôi cho rằng việc đổi mới tuyển sinh ĐH cũng khó có thể diễn ra trước năm 2015.

Có ý kiến cho rằng cách ra đề thi như hiện nay tuy có mở nhưng vẫn tạo ra một thế hệ chỉ biết vùi đầu vào học thuộc lòng, ít có thời gian tìm hiểu xã hội và học ngoại ngữ. GS nghĩ sao về đánh giá đó?

Kiến thức xã hội và kỹ năng sống rất cần cho mỗi người. Thế nhưng chương trình đào tạo của chúng ta chưa chú ý đến điều đó. Học sinh, sinh viên cũng chưa quan tâm nhiều đến đời sống xung quanh. Ví dụ học sinh có thể học và thuộc lòng các phép tính diện tích nhưng diện tích cái bàn hay mặt sàn nhà mình thì lại không tính được, học điện mà không dám sờ vào điện… Ở bậc ĐH thì việc đào tạo không gắn với các đơn vị sử dụng lao động dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường chưa thể thích ứng với công việc ngay và phải đào tạo lại ở các cơ quan, doanh nghiệp.

Ai cũng thấy đây là điều cần thay đổi trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sắp tới. Tuy nhiên, thay đổi không phải chuyện dễ dàng. Bởi vì lối học kinh viện, chỉ để ứng phó với thi cử và đáp ứng nhu cầu về bằng cấp, ít chịu động não, sáng tạo đã tồn tại lâu đời. Nó lại được củng cố bởi nếp nghĩ, nếp sống “vâng lời” và chính sách tuyển dụng, đề bạt cán bộ dựa vào bằng cấp, chứng chỉ. Sự thiếu cởi mở, khai phóng trong tư tưởng khiến học sinh, sinh viên nói riêng và người Việt Nam ta nói chung thiếu cá tính và yếu về năng lực sáng tạo. Nghĩ gì, nói gì, làm gì cũng sợ sai, sợ khác biệt thì làm sao mà sáng tạo được? Đó là căn nguyên của bệnh nói theo, bệnh học thuộc lòng. Bệnh này người lớn cũng mắc chứ không phải chỉ có những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Dĩ nhiên trong cuộc sống luôn có những giá trị mà con người cần tôn trọng, nhưng cái gì làm hạn chế suy nghĩ, cản trở sức sáng tạo và sự phát triển thì cần được sớm giải phóng.

Những năm gần đây, trong cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, đề thi một số môn đã có sự đổi mới. Điều này được xã hội hoan nghênh và rất đáng khuyến khích. Song, như nhận xét của một số chuyên gia giáo dục và cán bộ chấm thi, nhiều thí sinh không thích ứng kịp với những đề thi mở đó. Mong rằng hướng ra đề thi mở, gắn với các vấn đề xã hội sẽ được tiếp tục và sẽ phát huy tác dụng uốn nắn cách dạy, cách học trong nhà trường hiện nay.

Điều đó có nghĩa dù đã cố gắng thay đổi song chất lượng GD của chúng ta vẫn còn rất yếu kém? GS đánh giá GD VN đang đứng ở vị trí nào nếu so với thế giới?

Muốn đánh giá chất lượng thì phải làm rõ chất lượng là gì. Nếu hiểu chất lượng là tỉ lệ học sinh tốt nghiệp, học sinh khá giỏi thì chất lượng GD của nước ta rất cao nhưng nếu đánh giá chất lượng GD theo hiệu quả đối với yêu cầu hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực cá nhân và yêu cầu phát triển của xã hội thì không khả quan đến thế.

Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, đầu tư cho GD có hạn thì đạt được kết quả như hiện nay cũng đáng khích lệ rồi. Có một chuyên gia Việt Nam làm việc ở nước ngoài tính rằng trong năm 2005, đầu tư vào GD của VN là 8,1% GDP, cao hơn cả Mỹ (Mỹ đầu tư có 6% GDP thôi). Tuy nhiên, cần phải tính đến giá trị tuyệt đối bởi 6% GDP của Mỹ đã gấp 17 lần GDP cả nước VN. So sánh đầu tư và chất lượng GD VN với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức,… là điều không tưởng. Cuối tháng 5 năm ngoái, ngồi trên máy bay sang Bangkok, khi cầm một tờ báo (tờ The Nation) đọc giải trí, tôi giật mình thấy tít bài được giới thiệu ngay trang 1: “Một nền giáo dục rơi tự do”. Cứ tưởng họ nói về VN mình. Hóa ra tác giả chỉ trích nền GD Thái Lan. Thậm chí, bài báo còn có cả một đoạn dài so sánh GD Thái Lan với VN, khẳng định VN tuy nghèo hơn, chậm phát triển hơn nhưng có một nền GD tốt hơn, học sinh, sinh viên giỏi hơn. Hình như chẳng mấy nước bằng lòng với nền GD của nước mình, cứ “đứng núi này trông núi nọ”, thấy của hàng xóm đẹp hơn của mình. Song, tôi cũng không lấy thế làm mừng. Chúng ta không có quyền tự an ủi mình, bởi vì nhu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi hiệu quả giáo dục phải cao hơn và các nước cũng không đứng lại chờ chúng ta.

Để có một nền GD tương lai chất lượng, hiệu quả thì ngành GD cần có những cải cách nào, thưa GS?

Ban cán sự Đảng Chính phủ đang phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị đề án đổi mới căn bản, toàn điện GD Việt Nam trình Trung ương. Đề án này được đánh giá là có nhiều cái mới, cái đúng, đặc biệt là những tư tưởng chỉ đạo. Nếu như thuận lợi thì từ đề án đó, Trung ương sẽ ban hành nghị quyết về đổi mới GD. Nhưng cho đến thời điểm này, đề án vẫn cần phải hoàn thiện hơn nữa.

Theo ý kiến cá nhân của tôi, đổi mới căn bản là đổi mới từ mục tiêu và định hướng phát triển GD. Trước nay ta vẫn nghĩ mục tiêu GD chỉ là đào tạo nhân lực cho xã hội. Thực ra, mục tiêu trước hết của GD phải là hoàn thiện nhân cách và phát triển năng lực cho mỗi người. Nếu chỉ nặng về mặt XH thì sẽ có một nền GD cào bằng, thì khó có thể có được những cá nhân nổi bật; nếu cứ nhấn mạnh vào GD toàn diện thì khó phát huy được tính “trội” trong mỗi người. Ví như Trần Đăng Khoa là một thần đồng về thơ nhưng lại bắt chơi đàn được như Đặng Thái Sơn hay tư duy toán học phát triển như Ngô Bảo Châu thì sẽ chẳng có một Trần Đăng Khoa mà chỉ có một người làng nhàng, cái gì cũng biết một ít. Người ta phát triển được và có một chỗ đứng trong xã hội là nhờ năng lực và cá tính của mình. Còn xã hội phát triển được là nhờ vào những cá nhân nổi trội chứ không phải vào số đông giống nhau.

Để đạt được mục tiêu GD như đã nêu, nền GD VN, theo tôi, phải là một nền GD thực họcdân chủ.

Xét từ mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ xã hội, thực học có nghĩa là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có tính ứng dụng cao. Còn xét từ mục tiêu phát triển và hoàn thiện nhân cách phù hợp với sở nguyện, sở trường của mỗi cá nhân, thực học có nghĩa là học những điều thiết thực, học gắn với hành, với yêu cầu của thị trường lao động.

Thực học phải đi đôi với dân chủ. Dân chủ trước hết là đảm bảo quyền và trách nhiệm của xã hội tham gia phát triển, quản lý giáo dục và thụ hưởng thành quả phát triển giáo dục (xây dựng xã hội học tập). Xét theo mục tiêu hoàn thiện nhân cách và phát triển năng lực cá nhân thì dân chủ có nghĩa là cởi mở, khai phóng về tư tưởng, học thuật, tạo điều kiện cho người học sáng tạo và phát triển phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình. Có khai phóng thì giáo dục và xã hội mới tạo ra được những lớp người dám nghĩ, dám làm.

Thưa GS, những cải cách này có khó thực hiện không khi mà nền GD của nước ta vẫn đang nặng bệnh thành tích và tư duy “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ” đang bám rễ khá sâu trong suy nghĩ của học sinh, sinh viên nói riêng và xã hội nói chung?

Bệnh thành tích là bệnh chung của cả nước. Nếp sống ích kỷ cũng không phải của riêng thanh niên. Bởi vậy, muốn đổi mới GD thành công thì phải đẩy mạnh cải cách KT – XH và cải cách chính sách nhân lực. Nếu không có 2 cuộc cải cách quan trọng này thì đổi mới GD không thể thành công, dù Trung ương có ra Nghị quyết hay đến đâu chăng nữa.

Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!

Thanh Thu (thực hiện) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang