Hà Nội: Hàng trăm ngôi nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp?

author 16:59 19/04/2016

Hàng trăm ngôi nhà một tầng, hai tầng, 3 tầng ... xây dựng kiên cố đua nhau mọc trên khoảng 20 ha đất nông nghiệp thuộc Phường Định Công - Hà Nội từ chục năm nay

Đây là trường hợp điển hình xảy ra tại khu vực phường Định Công, quận Hoàng Mai TP  Hà Nội mà phóng viên ghi nhận được trong thời gian qua.

Xây nhà trên đất nông nghiệp đã được quy hoạch?

Ngày 8 /11/2005, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND Quận Hoàng Mai đã công bố quy hoạch chi tiết mở rộng phía bắc và tây bắc khu đô thị mới Đại Kim - Định Công.

Quy hoạch tổng thể KĐT. Đại Kim Định Công mở rộng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Theo quy hoạch, khu vực mở rộng có quy mô 135,765 ha, trong đó phạm vi phường Định Công 128,272 ha, phường Đại Kim là 7,492 ha, với số dân theo quy hoạch khoảng 20.000 người. Ranh giới phía bắc và đông bắc giáp đường vành đai 2,5 và khu đô thị Định Công. Phía tây bắc giáp khu dân cư Thông Thượng - phường Định Công. Phía tây nam giáp sông Tô Lịch; phía đông giáp sông Lừ và khu đô thị mới Bắc Đại Kim - Định Công.

Cũng theo bản quy hoạch, trong số hơn 50 ha đất ở, khu nhà thấp tầng được bố trí tiếp giáp với thôn xóm, ven hồ hiện có liên kết với khu cây xanh trung tâm. Khu nhà ở cao tầng (9, 11 và 18 tầng) được bố trí dọc trục đường lớn. Khu làng xóm hiện có, khi thực hiện dự án, sẽ được cải tạo, chỉnh trang và đấu nối hệ thống hạ tầng.

Phần diện tích còn lại của khu đô thị sẽ dành cho công trình công cộng, trường học, công viên cây xanh, công trình thể thao. Các tuyến đường trong khu đô thị có mặt cắt ngang từ 11,5m đến 40m.

Hàng trăm ngôi nhà được tự ý xây dựng đang từng ngày “nuốt chửng” đất canh tác nông nghiêp.

Cùng với việc phê duyệt quy hoạch chi tiết, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 89/2005/QĐ-UB ban hành điều lệ quản lý xây dựng khu đô thị mới Đại Kim - Định Công mở rộng phía Bắc và Tây Bắc.

Trong số 135,765 ha, có gần 70 ha được UBND TP Hà Nội giao cho liên danh nhà đầu tư Cty CP KD phát triển nhà và Đô thị Hà Nội – Cty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà làm chủ đầu tư tiến hành xây dựng khu đô thị. Đổi lại liên danh nhà đầu tư sẽ tiến hành xây dựng tuyến đường vành đai 2,5 chạy qua địa bàn các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân với tổng mức đầu tư hơn 1300 tỷ đồng. Và theo dự kiến con đường này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2017.

Tuy nhiên, suốt từ khi có quy hoạch đến nay gần 20 ha đất nông nghiệp được UBND TP Hà Nội giao cho liên danh nhà đầu tư Cty CP KD phát triển nhà và Đô thị Hà Nội – Cty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà đã bị người dân tự ý bán sang tay, xây dựng nhà kiên cố đến 2,3 tầng đã gây khó khăn, phức tạp cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng tuyến đường vành đai 2,5, cũng như dự án KĐT. mới Đại Kim - Định Công mở rộng sau này.

Nhiều ngôi nhà 2,3 tầng theo năm tháng không được chính quyền địa phương xử lý đã được xây dựng kiên cố.

"Hiện nay theo kế hoạch kể từ năm 2014 cho đến nay công ty chúng tôi đang triển khai giải phóng mặt, thực hiện chính sách đền bù cho người dân để lấy đất sạch triển khai tuyến đường vành đai 2,5 đúng tiến độ như cam kết với TP. Tuy nhiên cái khó là việc giải phóng mặt bằng đền bù cho dân. Trước đây 10 năm gần 70ha đất nông nghiệp TP giao cho Cty chúng tôi chỉ là đồng rộng trồng rau, tuy nhiên đến thời điểm này gần 20ha đã bị người dân tự ý xây nhà kiên cố” – ông Mạnh đại diện phía Cty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà chia sẻ với PV.

“Nếu chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt ngăn chặn tình trạng xây dừng trái phép này thì trong tương lai không xa khi thành phố Hà Nội thực hiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn" – ông Mạnh lo ngại.

Bà Bê một người dân sống tại khu vực phường Định Công cho biết, chúng tôi sống ở đây bao nhiêu thế hệ rồi đều biết khu đất nông nghiệp này nằm trong quy hoạch xây dựng khu đô thị Định Công - Đại Kim mở rộng, nhưng cụ thể bao giờ triển khai thì tôi không biết chính xác. Từ nhiều năm nay, khi biết có quy hoạch, nhiều hộ dân có bán đất nông nghiệp cho người tỉnh khác đến xây nhà. Đầu tiên thì họ xây dựng nhà cấp 4, tôi được biết chính quyền cũng có xuống nhưng đâu lại vào đó. Đến giờ sau nhiều năm đã có hàng trăm ngôi nhà đã được xây 2,3 tầng rất kiên cố".

Dự án xây dựng tuyến đường vành đai 2,5 vật liệu đã tập kết chưa thể triển khai một phần vì vướng GPMB

"Nhà tôi cũng có một phần đất nông nghiệp hiện đang trồng rau nếu sau này nhà nước lấy làm khu đô thị thì tôi cũng sẵn sàng bàn giao đất, miễn là đền bù sao cho thỏa đáng theo đúng quy định. Hiện nay dân rất mong ngóng sớm triển khai dự án để chậm ngày nào chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên về tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây"- bà Bê cho biết thêm.

Anh Nguyễn văn V. chủ một căn hộ xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp đã được quy hoạch cho phóng viên biết: "nhà tôi mua lại mảnh đất này của người dân gốc ở đây với giá lúc đó là trên dưới 3 triệu đồng/m2. Lúc mua gia đình tôi chỉ biết đây là đất nông nghiệp, chứ không hề biết đất nằm trong quy hoạch của thành phố Hà Nội. Trước mắt cứ xây có chỗ ở sau này nếu nhà nước có lấy đến thì gia đình tôi lại tính tiếp”.

Xây nhà trên đất nông nghiệp là trái luật?

Việc xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp là sai phạm. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 107 Luật Đất đai thì người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích. Muốn xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp trước tiên các hộ dân phải làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp sang đất ở), hồ sơ nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận/huyện và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Nếu các công trình xây dựng trái phép không được xử lý dứt điểm thì ước mơ của bà Bê về một KĐT hiện đại khó thành hiện thực. Ảnh: Tuấn Phong

Tuy nhiên, hiện nay khu đất nông nghiệp này được quy hoạch cho dự án KĐT Định Công - Đại Kim mở rộng nên các hộ gia đình không được phép sang nhượng, thậm chí chưa thể xin phép xây dựng nhà ở được. Do đó tất cả những hành động tự ý xây dựng nhà kiên cố 2,3… tầng trên đất nông nghiệp chưa được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng thì đều vi phạm pháp luật.

Để ngăn chặn tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp đã được UBND TP Hà Nội quy hoạch 1/500, tránh tình trạng khó khăn phức tạp trong công tác đền bù giải phóng tới đây, đề nghị Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội và quận Hoàng Mai sớm vào cuộc xác minh xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm Luật Đất đai nói trên.

>> Xe sang BMW 750Li 2016 giá 6,4 tỷ đầu tiên 'cập bến' Việt Nam

Theo Văn Hiến


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang