Hỏa hoạn chung cư: 'Đừng chỉ chờ vào giải pháp cứu nạn, cứu hộ'

author 15:47 04/04/2018

(VietQ.vn) - Các công trình chung cư cao tầng phải bảo đảm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC để bảo đảm an toàn cho người dân tại công trình, chứ không chỉ phụ thuộc vào việc cứu nạn, cứu hộ.

Chung cư cao tầng và nỗi lo hỏa hoạn

Thời gian gần đây, các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh các tòa nhà chung cư cao hàng chục tầng mọc lên như nấm. Những tòa chung cư cao tầng này đang gây ra nhiều nỗi lo cho xã hội về sự quá tải đô thị, ùn tắc giao thông và trên hết là sự bất an của các cư dân khi gần đây “bà hỏa ghé thăm” liên tục và đã có những hậu quả nghiêm trọng xảy ra với người và tài sản.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc trong chương trình giao lưu trực tuyến trên Vnexpress, Thượng tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Bộ Công An cho biết, những vụ cháy chung cư cao tầng thời gian gần đây, mỗi vụ có một nguyên nhân khác nhau nhưng giống nhau về tính chất nguy hiểm, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Qua thống kê cho thấy, nguyên nhân vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống thiết bị điện, sơ suất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt… Khi xảy ra cháy tại các chung cư cao tầng nếu không được phát hiện và dập tắt kịp thời sẽ để lại hậu quả không thể lường hết được.

Những thông tin, hình ảnh tang thương tràn ngập trên mặt báo khiến hàng triệu người dân đang sinh sống tại các tòa nhà cao tầng hoang mang, lo lắng cho tính mạng và tài sản của mình.

Theo Thượng tá Bùi Quang Việt, việc xây dựng các công trình cao tầng, siêu cao tầng đang là xu hướng chung trên toàn thế giới để đáp ứng sự phát triển của xã hội. Theo đó, vấn đề bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đối với việc cứu nạn, cứu hộ trên các tầng cao khi xảy ra sự cố luôn là vấn đề khó khăn.

Sử dụng các phương tiện như trực thăng, xe thang chỉ đáp ứng một phần trong công tác cứu người. Vì vậy, trong chính mỗi công trình phải tự bảo đảm an toàn về PCCC bằng các giải pháp kỹ thuật, tổ chức quy hoạch không gian... đây cũng là quy định chung không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, ngay cả ở các tòa tháp cao trên 800m ở Dubai.

Để bảo đảm an toàn PCCC cho các công trình này, trước hết phải là các giải pháp phòng cháy từ khi thiết kế, đầu tư xây dựng. Cụ thể, thiết kế phải được thẩm duyệt về PCCC, xem xét các nội dung, tiêu chí như: đường giao thông cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn giữa các công trình; các giải pháp ngăn cháy lan và ngăn khoang cháy; thiết kế hệ thống báo cháy để cảnh báo sớm sự cố; trang bị các hệ thống chữa cháy bằng nước, bằng khí; cũng như các giải pháp phục vụ thoát nạn như buồng thang bộ thoát nạn không nhiễm khói, hệ thống tăng áp buồng thang, hệ thống hút khói sự cố, thang máy chữa cháy, thang dây thoát nạn, hệ thống chuông đèn cảnh báo, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn...

Tất cả các giải pháp, hệ thống này phải bảo đảm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC để bảo đảm an toàn cho người dân tại công trình, chứ không chỉ phụ thuộc vào việc cứu nạn, cứu hộ từ xe thang hay trực thăng chữa cháy.

Các công trình chung cư cao tầng phải bảo đảm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC để bảo đảm an toàn cho người dân tại công trình, chứ không chỉ phụ thuộc vào việc cứu nạn, cứu hộ. Ảnh Dân Trí

Làm gì để thoát nạn khi có cháy chung cư cao tầng?

Thượng tá Bùi Quang Việt cho biết, theo tiêu chuẩn tại các chung cư cao tầng đều phải thiết kế 2 lối cầu thang bộ thoát nạn. Đây là các cầu thang kín, có cửa làm bằng vật liệu chống cháy, khi có sự cố cháy, nổ người dân di chuyển ra lối buồng thang bộ để thoát nạn xuống mặt đất.

Người dân phải tìm hiểu và nắm vững bố trí lối ra, cầu thang thoát nạn của nhà để khi xảy ra cháy nổ bình tĩnh di chuyển vào cầu thang thoát nạn. Trường hợp cầu thang bị nhiễm khói tìm các lối thoát nạn thứ hai, thứ ba.

Trường hợp các lối thoát nạn đều nhiễm khói, người dân quay trở lại căn hộ, ra tầng gần nhất chưa bị nhiễm khói ra hiệu thông báo, gọi điện cho người thân; lực lượng cảnh sát PCCC qua số 114; thông báo vị trí của những người mắc kẹt, số lượng người mắc kẹt và tình trạng những người mắc kẹt trong căn hộ đó. Đối với cư dân ở tầng cao thì ở tại trong phòng và cũng làm tương tự.

Để có thể thoát nạn an toàn người dân cần bình tĩnh, đối với những người dân sống ở tầng thấp cần sử dụng mặt nạ lọc độc, nếu không có mặt nạ lọc độc thì sử dụng khăn vải nhúng nước, bịt vào mũi và miệng, sau đó nhanh chóng di chuyển lên các tầng cao hơn ví dụ như tầng 6, tầng 7.

Sau đó di chuyển vào một căn hộ nào đó cùng mọi người sử dụng khăn vải ướt, băng dính dán vào khe cửa để khói khí độc không vào trong căn hộ. Di chuyển ra ban công gọi to ra hiệu, sử dụng những vật dụng dễ gây được sự chú ý như quần áo sáng màu, còn đối với các đám cháy vào buổi tối thì sử dụng đèn pin hoặc sử dụng đèn Flash của điện thoại.

Thượng tá Bùi Quang Việt cũng khuyến cáo người dân nên chủ động mua sắm các phương tiện PCCC, CNCH để đảm bảo an toàn. Ngoài việc trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, người dân cũng cần tự trang bị phương tiện thoát nạn như mặt nạ phòng độc, thang dây, dây hạ chậm…

Tuy nhiên, ở khía cạnh chuyên môn, Thượng tá Bùi Quang Việt khuyến cáo người dân nên lựa chọn các trang thiết bị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định; đồng thời chủ động tìm hiểu tính năng, tác dụng, cách sử dụng của các phương tiện này để có thể sử dụng thành thạo, hiệu quả trong trường hợp xảy ra sự cố. Ngoài ra, người dân cần tích cực tham gia các lớp tập huấn về PCCC và CNCH để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bản thân và gia đình.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang