Liên Bộ KH&CN - Công Thương đẩy mạnh công tác đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng nhái

author 10:26 18/12/2019

(VietQ.vn) - Ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì cuộc họp về công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Tham gia cuộc họp về phía Bộ Công Thương có các đơn vị: Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số...

Về phía Bộ KH&CN có Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), Cục Sở hữu Trí tuệ, Thanh tra Bộ và các đơn vị chức năng có liên quan.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh. 
Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. 

Chia sẻ thông tin tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái đã trở thành vấn nạn, đang diễn ra ngày càng tinh vi ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong kế hoạch hành động của mình, Tổng cục QLTT đã xác định 2020 là năm lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào công tác đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT và coi đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Khoảng 20 tỉnh, thành phố trong cả nước nằm trong diện siết chặt kiểm tra, giám sát và xử lý với hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm. Những nhóm mặt hàng nằm trong diện kiểm tra theo kế hoạch này gồm có thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng trao đổi, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết, việc tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cần tập trung nhiều đến mặt hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, một số mặt hàng công nghiệp khác cũng đang rất “nóng” như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng… rất cần được chú trọng trong thời gian tới.

Liên quan đến xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật, hiện nay hai Bộ đã chủ động. Cụ thể, Bộ Công thương đã có kế hoạch năm 2020, chiến lược xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về các thiết bị phụ trợ, điều kiện cơ sở kinh doanh khí nói chung. Trong khi đó Tổng cục TCĐLCL được phân công xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với chất lượng các loại khí, dự kiến ban hành vào đầu năm 2020 tới đây, ông Linh cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại buổi làm việc. 

Về vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm, Bộ KH&CN đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc. Vừa qua, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc thừa nhận kết quả về chứng nhận truy xuất nguồn gốc và hàng nông sản của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, để thực hiện tốt rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan, đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ KH&CN như Cục Sở hữu Trí tuệ, Thanh tra và cơ quan về quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng từ Trung ương tới các địa phương.

Ghi nhận những ý kiến, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN sẽ sát cánh với Bộ Công Thương nói chung, cũng như lực lượng quản lý thị trường nói riêng trong việc hỗ trợ tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho lực lượng QLTT. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chủ động phối hợp với Tổng Cục QLTT trao đổi thông tin chuyên môn nghiệp vụ để tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo hay bỏ sót quản lý, tiết kiệm kinh phí kiểm nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vị phạm nhất là đối với lĩnh vực xăng dầu.

Toàn cảnh buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao ý kiến đóng góp và chia sẻ từ Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, đồng thời khẳng định, sau cuộc họp này, Bộ Công Thương sẽ lên chương trình, kế hoạch hành động chi tiết nhằm cụ thể hoá các nhiệm vụ để mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình thực thi. Trong đó, chương trình hành động sẽ đề cập đến tiến độ thực hiện công việc, phân công đầu mối nhiệm vụ, xác định rõ nhiệm vụ, năng lực của mỗi bên để giải quyết triệt để các tồn tại.

Tại cuộc họp, hai Bộ thống nhất sẽ tiếp tục cùng nhau bàn bạc, xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 Bộ để quản lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ được hình thành trong quá trình sản xuất. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa 2 bên về việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công thương. Hai Bộ trưởng cùng quan điểm việc chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là công việc lâu dài, không chỉ cả hệ thống chính trị vào cuộc mà còn phục thuộc và ý thức của từng chủ thể trong xã hội.

Đồng loạt ra quân chống hàng giả mạo nhãn mác, giả xuất xứ Việt Nam(VietQ.vn) - Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại có văn bản gửi hàng loạt bộ ngành yêu cầu lập kế hoạch phòng chống hàng hóa gian lận nhãn mác Việt Nam.

Bảo Anh

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang