May Hà Nam tăng doanh thu, tăng năng suất nhờ áp dụng cải tiến, đổi mới công nghệ

author 06:55 12/04/2020

(VietQ.vn) - Công ty CP May Nam Hà thay đổi rất nhiều, tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất sau khi tham gia Dự án mô hình năng suất tổng thể.

Coi nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá là yếu tốt then chốt quyết định hiệu quả kinh doanh, Công ty cổ phần May Nam Hà đã sớm đi đầu ngành Dệt may với việc áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như: ISO 9000, ISO 9001, ISO 14000, SA 8000, 5S, TPM, Lean, KPI, Lean 6 Sigma, Kaizen.

Năm 2018-2019, với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và Viện Năng suất Việt Nam (VNPI), Công ty tiếp tục xây dựng một mô hình nâng cao năng suất chất lượng tổng thể với việc tham gia “Dự án áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng” của Bộ Công Thương nhằm cải tiến toàn diện hoạt động năng suất chất lượng của Công ty.

May Hà Nam tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động nhờ áp dụng cải tiến, đổi mới công nghệ

Mô hình nâng cao năng suất tổng thể của May Nam Hà được triển khai dựa trên cách tiếp cận chu trình P-D-C-A. Trong đó, “P” (Plan) là việc lập kế hoạch, “D” (Do) là thực hiện các kế hoạch đã đề ra, “C” (Check) có nghĩa là kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch và cuối cùng “A” (Act) là thực hiện điều chỉnh, cải tiến thích hợp, sau đó bắt đầu lại việc lập kế hoạch điều chỉnh này và thực hiện lại chu trình P-D-C-A mới.

Công ty đã lựa chọn các giải pháp như: Cải tiến hiệu quả máy móc; cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động… Các công cụ cải tiến năng suất được May Nam Hà áp dụng cải tiến ở tất cả những bộ phận, công đoạn, khâu sản xuất.

Trước đây, Công ty CP May Nam Hà cũng chỉ đưa ra các mục tiêu tài chính và các mục tiêu này chỉ Ban Lãnh đạo cấp cao và 1 vài bộ phận liên quan mới biết được hoặc để ý đến. Dựa vào mô hình bảng điểm cân bằng, 4 khía cạnh đều được quan tâm một cách cân bằng, từ tài chính, đến khách hàng, đến quá trình nội bộ, học hỏi và phát triển, các mục tiêu của Công ty mới đến được các bộ phận khác nhau và khi đó mọi người mới hiểu rằng, công việc của mỗi bộ phận, mỗi cá nhân sẽ đóng góp một phần vào mục tiêu chung.

Dựa trên lý thuyết của mô hình này, cùng với tìm hiểu sâu sắc về thực trạng hiện tại, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong bối cảnh kinh doanh hiện tại, và không quên những ý chí cải tiến của Ban lãnh đạo, Công ty đã đặt ra chiến lược và các mục tiêu cải tiến năng suất chất lượng của từng giai đoạn, làm định hướng cho các hoạt động cải tiến năng suất chất lượng tiếp theo.

Qua khảo sát chi tiết từng bộ phận của nhà máy, tính toán với sự phù hợp trong từng giai đoạn, Công ty đã áp dụng cải tiến nhiều khâu, đơn cử là khâu cải tiến hiệu quả máy móc, thiết bị, trong đó bao gồm 3 nội dung cụ thể là đào tạo kỹ năng công nhân trong vận hành, khắc phục lỗi thiết bị; Chuẩn bị sẵn sàng thiết bị tốt hơn để rút ngắn thời gian vào mã hàng mới; Khai thác hệ thống chuyền treo thông minh.

Bên cạnh đó, May Nam Hà cũng đã thống nhất tiêu chuẩn cho từng mã hàng và hệ thống hóa các lỗi cuối chuyền, trong chuyền, đưa ra biện pháp phòng, chống lỗi bằng Kaizen để hạn chế việc lỗi lặp lại và hạn chế làm lại trong chuyền. Nhờ đó, tỷ lệ lỗi đã giảm từ 12% xuống 7,6%, năng suất có mặt hàng tăng đến 25% so với trước đây.

Thay vì thiết kế chuyền sản xuất theo kinh nghiệm, May Nam Hà đã đầu tư một phần mềm quản lý sản xuất, sử dụng để thiết kế bản sắp xếp chuyền tối ưu trước khi vào một mã hàng mới. Công ty cũng xây dựng các hướng dẫn vận hành để hỗ trợ đào tạo công nhân, giúp công nhân có thể thực hiện được một số thao tác căn chỉnh máy, giảm bớt sự hỗ trợ của kỹ thuật…

Nhờ đó, thời gian chuyển đổi mã hàng của Công ty đã giảm từ 2-3 tiếng/mã hàng trước đây, xuống còn 30-60 phút/mã hàng, tùy vào tính đơn giản hay phức tạp của mã hàng. Tổng thời gian chuyển đổi giảm từ 8 tiếng xuống còn 4 tiếng.

Cùng với đó, Công ty cũng đã nghiên cứu đầu tư hệ thống chuyền treo thông minh, bố trí thiết bị theo dạng dòng chảy, bán thành phẩm tự động di chuyển đến các trạm sản xuất. 80% công đoạn đã được đưa lên chuyền thông minh, tăng gấp đôi so với trước.

Đầu năm 2018, sau khi nghiên cứu những mô hình sản xuất hiện đại, Công ty quyết định đầu tư hệ thống chuyền treo thông minh. Tuy nhiên, đây là công nghệ mới nên đội ngũ quản lý và công nhân vẫn chưa quen với hệ thống chuyền treo, tỷ lệ công đoạn lên chuyền mới được 40%, dẫn đến năng suất thực tế chưa được như kỳ vọng. Do đó Công ty quyết định xây dựng các hướng dẫn sử dụng chuyền treo đúng kỹ thuật, đào tạo lại cho tổ trưởng về cách vận hành và khai thác chuyền treo thông minh và tổ chức học hỏi tại các công ty đã có áp dụng hiệu quả.

Nhờ vậy mà hệ thống chuyền treo đã được khai thác tốt, 80% công đoạn đã được đưa lên chuyền, tăng gấp đôi so với trước. Chuyền được bố trí thiết bị theo dạng dòng chảy, bán thành phẩm tự động di chuyển đến các trạm sản xuất mà công nhân không cần đứng lên để lấy sản phẩm. Sử dụng các thông số của chuyền để điều chỉnh các công đoạn sản xuất, cứ một tiếng một lần, tổ trưởng lại đọc thông số để xem tiến độ sản xuất, trạm nào bị tồn bán thành phẩm là các trạm nút thắt sẽ lập tức được bổ sung hoặc san công việc để chuyền trở lại trạng thái cân bằng. Lượng tồn bán thành phẩm trên chuyền được bộc lộ rõ, giúp tổ trưởng cân đối các công đoạn sản xuất tốt hơn. Khai thác tốt hệ thống chuyền treo, góp phần tăng năng suất lên 30%...

Kinh nghiệm áp dụng TPM vào nâng cao năng suất tại Công ty CP Sơn Hải Phòng số 2(VietQ.vn) - Trong những năm gần đây để tăng năng suất chất lượng trong sản xuất sơn, Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng số 2 đã áp dụng công cụ 5S và TPM và đã đạt được kết quả khả quan.

Việc sớm áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến cũng như xây dựng mô hình cải tiến năng suất, chất lượng tổng thể, chỉ tính riêng trong năm 2019, năng suất tổng thể của May Nam Hà đã tăng lên 23%, doanh thu sản xuất tăng 17%, thu nhập bình quân người lao động tăng 23%, tỷ lệ sản phẩm lỗi khi kiểm xuất giảm được 13% so với năm 2018...

Thu Hà (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang