Mở tuyến phố và cho phép kinh doanh ở vỉa hè theo giờ là nhân văn

authorHoàng Dương 17:04 15/03/2017

(VietQ.vn) - Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến bàn về giải pháp mưu sinh của những người nghèo khi Hà Nội giành lại vỉa hè.

Sự kiện: Kinh doanh gì thời điểm này

Theo đó, trao đổi với Chất lượng Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến đưa ra hai mặt của vấn đề cần giải quyết thời điểm này đó là, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cần thiết song cũng cần phải quan tâm đến đời sống của những người kinh doanh vỉa hè để mưu sinh.

Mở tuyến phố kinh doanh và cho phép kinh doanh theo giờ tại Hà Nội là nhân văn

 Từ ngày 10/3 Hà Nội ra quân giành lại vỉa hè trên địa bàn toàn thành phố - Ảnh HL

Về vấn đề thứ nhất, Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến khẳng định, vỉa hè là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, bấy lâu nay chúng ta vẫn “thả lỏng” vỉa hè và dẫn đến tình trạng nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm, coi vỉa hè là “sân nhà” mình. Nghiễm nhiên, khi vỉa hè bị lấn chiếm thì người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Điều này vừa gây nguy hiểm về tai nạn giao thông cho người đi bộ vừa gây cản trở, ách tắc giao thông. Vậy nên, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cần thiết và phải thực hiện ngay từ hôm nay.

Tuy nhiên, cùng với vấn đề đó thì hiện nay, tại Hà Nội, rất nhiều người mưu sinh bằng việc kinh doanh trên vỉa hè. Thậm chí, nguồn sống chủ yếu của nhiều gia đình là từ những quán hàng rong vỉa hè. Vậy nên, khi giành lại vỉa hè cũng không nên đẩy những người mưu sinh ra khỏi vỉa hè. Cần có giải pháp để giúp đỡ họ, quan tâm đến họ. “Hất cuộc sộng sống của họ ra khỏi vỉa hè là không nhân văn”, Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến - Ảnh Internet

Theo đó, Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến đồng quan điểm với giải pháp nên thiết lập tuyến phố chuyên kinh doanh vỉa hè dành cho những người nghèo, những người mà bấy lâu nay mưu sinh bằng việc kinh doanh trên vỉa hè. Và đây là việc nên làm, là hành động thiết thực nhất của chính quyền sau khi giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến cho rằng, các cấp chính quyền cần xây dựng một văn hóa kinh doanh vỉa hè. Đầu tiên, xây dựng nên hệ ý thức kinh doanh vì đây là bộ mặt của Thủ đô. Cần xóa bỏ sự luộm thuộm, lộn xộn, mất mĩ quan của việc kinh doanh vỉa hè trước đó, thay vào bằng sự trật tự, văn minh và hướng đến du lịch. Làm sao có một tuyến phố kinh doanh vỉa hè để khách du lịch trong và ngoài nước có được ấn tượng sâu sắc về Hà Nội. Nếu làm được như vậy thì vừa giải quyết được vấn đề mưu sinh cho người dân, vừa xây dựng được một nét đẹp văn hóa. Thậm chí, từ đây, thương hiệu 'Phố vỉa hè' có khi lại trở thành một thương hiệu “hot”, mạnh và tạo dấu ấn Việt Nam với bạn bè quốc tế.

“Nếu làm khéo, tự người kinh doanh họ cũng xây dựng được thương hiệu riêng cho chính mình, chẳng hạn như xôi vỉa hè, phở vỉa hè …”, Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến nói.

Ngoài việc thiết lập các phố kinh doanh vỉa hè thì Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến cũng cho rằng, việc kinh doanh trên vỉa hè cũng cần làm kĩ lưỡng ngay từ đầu các vấn đề như vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng ăn uống. Chỉ khi những người kinh doanh nào đảm bảo được các vấn đề về văn hóa, về an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới được phép kinh doanh và tạo dấu ấn. Tùy theo tuyến phố, quận huyện và lượng người kinh doanh doanh đăng kí mà đề xuất việc kinh doanh theo giờ.

Mỗi quận, huyện nên chọn ra những tuyến phố có vỉa hè rộng để đảm bảo làm sao vừa có thể kinh doanh mà vẫn không đẩy người đi bộ xuống đường để không gây cản trở, ách tắc giao thông. Người đi bộ luôn phải ưu tiên số 1. Việc kinh doanh trên vỉa hè phải làm công bằng, nên hạn chế các trường hợp ưu tiên. Bởi nếu làm không khéo sẽ lại gây nên sự mất công bằng, đố kị và không phục.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến kì vọng Hà Nội sẽ thay đổi được bộ mặt đô thị bằng quy hoạch bài bản, khoa học và đồng thời phát triển được du lịch nhờ vào chính việc kinh doanh vỉa hè. “Mở tuyến phố kinh doanh và cho phép kinh doanh theo giờ tại Hà Nội là nhân văn”, Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Riêng đối với Giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng thì việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ là việc đương nhiên phải làm, dù là đã quá muộn. Theo giáo sư, khi xây dựng tuyến phố kinh doanh vỉa hè riêng sẽ có những tác dụng vô cùng to lớn.

“Thứ nhất, tránh tai nạn khi người đi bộ đi xuống lòng đường. Thứ hai, trả lại mỹ quan đô thị, nhất là với khách du lịch nước ngoài. Thứ ba, góp phần bảo vệ sức khoẻ, tránh thực phẩm nhiễm bụi đường phố. Thứ tư, lập lại công bằng với người kinh doanh, tránh trốn thuế”, giáo sư nói.

Ngoài ra, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, việc Hà Nội kiên quyết giành lại vỉa hè và có cách làm riêng sẽ khắc phục tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, hối lộ cán bộ Phường và Công an. Vì trước đó, Hà Nội vẫn thường xuyên đi “đòi lại vỉa hè” nhưng vẫn đâu vào đấy.

Giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng

 Giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng - Ảnh Internet

Giáo sư Nguyên Lân Dũng tin tưởng vào sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang