Năng suất ngành dệt may Việt Nam đứng vào top đầu của thế giới

author 16:37 02/03/2016

(VietQ.vn) - Năng suất lao động kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam đứng vào top đầu của thế giới, tương đương với Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Mexico.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Phát biểu tại Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp sáng 26/3, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết trong 10-15 năm tới, ngành dệt may Việt Nam có thể thu dụng thêm 5 triệu lao động. Nguồn lao động này sẽ sản xuất cung ứng trên 70 tỷ USD hàng dệt may, giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dệt may của thế giới.

Theo ông Trường, nhiệm vụ chính của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là tiếp tục nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam được ông Trường nhận định là tương đương các quốc gia cạnh tranh chính như Ấn Độ, Bangladesh, Mexico, Indonesia; cao hơn các quốc gia Trung Mỹ - Caribe, Myanma, Campuchia và đạt 80% năng suất của Trung Quốc với đơn hàng lớn, trên 90% với đơn hàng vừa và nhỏ.

Năng suất lao động kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam đạt 80% - 90% năng suất của Trung Quốc

Năng suất lao động kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam đạt 80% - 90% năng suất của Trung Quốc

“Mục tiêu, năng suất lao động kỹ thuật của Việt Nam phải đạt trong top 3 quốc gia đứng đầu thế giới, để đảm bảo duy trì và đạt được vị trí là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn từ thứ 3 - 5 trên thế giới”, ông Lê Tiến Trường nói. Đây cũng được coi là giải pháp căn bản, để hạn chế bớt ảnh hưởng của việc giảm giá đồng tiền của các quốc gia cạnh tranh chính như Trung Quốc (giảm 6% năm 2015), Malaysia (giảm 17%), Ấn Độ (giảm 4%), Pakistan (giảm trên 6%), Indonesia (14%), đồng Euro và đồng Yên yếu cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu của 2 thị trường này.

Đồng thời, phải nâng cao chất lượng nhân lực, trong đó trọng tâm là nhân lực thiết kế kỹ thuật, nhân lực kỹ thuật ngành sản xuất nguyên liệu, nhân lực xử lý đơn hàng tổng hợp (merchandise) và nhân lực quản trị sản xuất. Đặc biệt, tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư cho ngành sản xuất nguyên liệu theo chiến lược chung cả nước có từ 10 – 15 trung tâm sản xuất nguyên liệu và thiết kế, cung ứng cho các DN may phân tán về đến cấp huyện trên cả nước. Quy mô lao động toàn ngành đạt trên 5 triệu vào năm 2020.

Ông Trường cho hay, với quy mô dân số Việt Nam, đặc biệt là với 30 triệu lao động còn ở khu vực nông thôn (dư thừa khoảng 20% lao động với phương thức sản xuất hiện nay) thì việc thu dụng thêm 5 triệu lao động cho dệt may là hoàn toàn khả thi. Được biết, năm 2015 với 27,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng góp gần 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, sử dụng trên 2,5 triệu lao động công nghiệp, tạo 1/5 số việc làm mới hàng năm trên cả nước.

Năng suất lao động kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam hiện đang đứng vào top đầu của thế giới

Năng suất lao động kỹ thuật của ngành dệt may Việt Nam hiện đang đứng vào top đầu của thế giới

Thu nhập trung bình năm của công nhân dệt may đã đạt trên 50 triệu đồng, được tham gia bảo hiểm xã hội, y tế. Ông Trường đánh giá, thu nhập này đang cao gấp 8-10 lần thu nhập lao động trồng lúa ngay trong điều kiện được mùa, được giá với giả thiết lợi nhuận lên tới 50% và mỗi lao động có trên 2.000m2 canh tác (6 sào bắc bộ), cao hơn nhiều so với bình quân ruộng đất hiện nay.

Được biết, với việc cung ứng trên 4% tổng hàng hóa dệt may tiêu thụ trên toàn thế giới, với năng suất lao động kỹ thuật được xếp vào top đầu của thế giới, ngành dệt may Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Để đạt được mục tiêu nâng cao năng suất lao động ngành dệt may, ông Trường cho biết cần phải nhanh chóng xây dựng năng lực cạnh tranh trên cả 3 khu vực doanh nghiệp, thể chế quản trị và xã hội.

Minh Thùy (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang