Ngành da giày: Hàng rởm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu hàng thật

author 07:09 21/09/2020

(VietQ.vn) - Ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, đối với ngành da giày, tình trạng bán hàng rởm online hiện nay đang là vấn nạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của những nhãn hàng lớn.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công thương, 8 tháng năm 2020, xuất khẩu ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,9% so với tháng 7, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2019; lũy kế 8 tháng giảm 4,3%.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép 8 tháng năm 2020 chỉ đạt 10,9 tỉ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều doanh nghiệp khó có thể hoàn thành chỉ tiêu kinh tế của doanh nghiệp, kéo theo mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 24 tỉ USD khó có thể đạt trong năm 2020.

Các doanh nghiệp cho biết, những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Đức đều giảm nhập so với tháng trước, trong đó, thị trường Đan Mạch giảm mạnh nhất - tới gần 64%, chỉ đạt 6,2 triệu USD.

Tình trạng bán hàng rởm online hiện nay đang là vấn nạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của những nhãn hàng lớn. Ảnh minh họa.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, thị trường tiêu thụ của ngành da giày có sự sụt giảm rất mạnh. Có những thị trường, những nhãn hàng giảm tới 60-70%, doanh nghiệp khó có thể đưa ra giải pháp nào trước cuộc khủng hoảng nặng nề như hiện nay.

“Một số doanh nghiệp quay vào sản xuất hàng cho thị trường nội địa nhưng năng lực toàn ngành là trên 1,1 tỉ đôi giày và gần 400 triệu balô túi xách cho các loại thị trường tiêu thụ” – ông Diệp Thành Kiệt nói.

Trong khi đầu ra xuất khẩu giày da bị bế tắc, thì tại thị trường trong nước, phần lớn sản phẩm sản xuất ra dành cho xuất khẩu nên rất khó tiêu thụ tại thị trường nội địa do giá thành cao. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng tỏ ra không tin tưởng những mặt hàng này là "hàng xịn", bởi tình trạng bán hàng rởm online hiện nay đang là vấn nạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của những nhãn hàng lớn.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso, EU là thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam trong nhiều năm qua, chỉ sau thị trường Mỹ. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ là động lực tốt cho tăng trưởng của ngành da giày Việt Nam thời gian tới nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc về nguồn gốc xuất xứ… của thị trường vốn được xem là khó tính bậc nhất này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần đẩy mạnh liên kết với nhau, tạo thành chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu hàng Việt.

EVFTA có hiệu lực, 37% dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% và phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể. Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng giầy thể thao, giày vải và giày cao su. Đây là các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ bên ngoài Hiệp định, ngoại trừ các bộ phận lắp ghép từ mũi giày và đế giày. Tiêu chí xuất xứ này được xem là chặt hơn so với một số các FTA khác nhưng không phải là tiêu chí mới đối với ngành da giày, do trước đó doanh nghiệp da giày đã xuất khẩu sang EU với tiêu chí tương tự trong GSP.

Kỳ vọng xuất khẩu da giày phục hồi vào cuối năm 2020(VietQ.vn) - EVFTA được thực thi sẽ giúp doanh nghiệp da giày đẩy nhanh xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch, bù lại sự giảm tốc từ đầu năm đến nay.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang