Ngành dệt may vừa nâng cao năng suất, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch

author 07:02 22/07/2021

(VietQ.vn) - Để kịp trả đơn hàng cho đối tác, nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải chạy hết công suất, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch cho người lao động.

6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, chỉ số sản xuất của ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.

Hiện nay, mặc dù nhiều doanh nghiệp dệt may liên tục nhận đơn hàng mới, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nguy cơ thiếu hụt lao động và chậm tiến độ giao trả hàng, ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm. Để kịp trả đơn hàng cho đối tác, nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải chạy hết công suất, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch cho người lao động.

Ngành dệt may thời gian qua có sự phục hồi mạnh mẽ. Ảnh minh họa.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may thời gian qua có sự phục hồi mạnh mẽ. Hầu hết các doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng, đến quý III và hết năm. “Từ nay đến cuối năm, về cơ bản các doanh nghiệp dệt may sẽ không phải lo việc thiếu hụt và không có đơn hàng. Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp", ông Vũ Đức Giang phân tích.

Về phía doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, đơn vị vừa phải lo sản xuất kinh doanh, vừa phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, với mục tiêu không để dịch Covid-19 xuất hiện ở doanh nghiệp và không để ai bị bỏ lại phía sau. “Thời gian này May 10 đang nâng công suất và cơ cấu lại các nhóm, ca làm việc để tăng năng suất lao động... kịp trả hàng cho đối tác theo hợp đồng, tránh chuyện bị phạt vì chậm giao hàng”, ông Việt nói.

Đồng thời, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) phân tích, ước tính hiệu quả của 6 tháng đầu năm về cơ bản có thể bù đắp được toàn bộ phần thiệt hại của 2 năm 2019, 2020. “Kết quả đạt được phần lớn do sự phục hồi sớm của thị trường và sự thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia cạnh tranh, dẫn tới Việt Nam có được lợi thế trong ngắn hạn về nguồn hàng, là điểm đến an toàn gần như duy nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Trường đánh giá.

Ngoài ra, ông Trường cũng chỉ ra rằng, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp sau 1 năm dịch bệnh đã có sự linh hoạt cao hơn, chủ động hơn, tuy nhiên vẫn phần lớn vẫn gói gọn trong mô thức cũ, khách hàng cũ, phương thức tiếp cận chưa có đổi mới căn bản…

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long: Bách Hóa Xanh cần nghiêm túc xin lỗi người tiêu dùng (VietQ.vn) - Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long chỉ ra nguyên nhân khủng hoảng của Bách Hoá Xanh không chỉ xuất phát từ việc tăng giá thực phẩm trong mùa dịch mà còn tới từ thái độ của nhân viên, thái độ của hệ thống này khi xử lý vấn đề.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang