'Ngày nào Hàn Quốc chưa bằng Nhật thì họ còn thấy xấu hổ'

author 06:16 24/09/2015

(VietQ.vn) - Họ đo khoảng cách của họ với Nhật Bản để thu hẹp. Doanh nghiệp nào có thể góp phần thu hẹp được khoảng cách đó nhiều hơn thì được Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn…

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nói về lí do khiến năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam khá thấp so với các nước trong khu vực, PGS.TS Vũ Minh Khương, đến từ trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng có 3 yêu tố.

Thứ nhất, đầu tư thiết bị trên đầu người của Việt Nam còn hạn chế.

Thứ hai, do ý thức, tay nghề của người công nhân Việt Nam kém, chưa có sự chuyên môn sâu. Tuy nhiên, ông Khương nhận định rằng, hiện nay ở một số nơi tình trạng này đã dần được cải thiện.

Điều cuối cùng, đây cũng là yếu tố mà vị PGS đến từ Đại học Quốc gia Singapore lo ngại nhất chính là năng suất tổng hợp.

“Tức là hiệu quả chung nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mạnh mẽ, điều này mình chưa làm được. Bên cạnh đó, xã hội chưa tạo cho các doanh nghiệp được “thoải mái” trong quá trình sản xuất. Ví dụ họ còn phải chạy chọt, lo lắng, tắc đường,… tức là nhiều cái làm cho họ mất công mất sức”, PGS.TS Vũ Minh Khương chỉ rõ.

PGS.TS Vũ Minh Khương

PGS.TS Vũ Minh Khương. Ảnh Viết Cường

Thế nhưng, theo nhìn nhận của ông Khương, hiện nay Chính phủ đang có những cải cách rất mạnh mẽ về môi trường kinh doanh. Điều này khiến cho chủ các doanh nghiệp có thể toàn tâm toàn ý áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cải thiện quản lý, đào tạo tay nghề cho công nhân.

Bàn về việc làm thế nào để phát triển mạnh được nền khoa học kỹ thuật của Việt Nam, PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng chúng ta cần đặt mục tiêu cao.

“Trước khi bàn đến vấn đề định làm gì mà không nói rõ được mục tiêu thì không khơi dậy được xúc cảm của dân tộc”, ông Khương bày tỏ.

Vì chuyên gia lấy ví dụ từ đất nước Hàn Quốc. “Lúc họ nghèo, họ luôn mong muốn một ngày nào đó họ phải đứng trong hàng 10 nước có nền khoa học công nghệ phát triển. Họ đo khoảng cách của họ với Nhật Bản để họ thu hẹp. Ngày nào mà họ chưa bằng được Nhật Bản thì họ vẫn luôn cảm thấy xấu hổ. Doanh nghiệp nào có thể góp phần thu hẹp được khoảng cách đó nhiều hơn thì được Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn”.

Ông Khương nhấn mạnh, hiện Việt Nam đang hội nhập rất tốt với thế giới nhưng tập trung vào những mũi nhọn nào thì chúng ta còn hạn chế. 

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang