Người Mỹ xuống đường biểu tình vì mạng sống người da màu

author 20:18 09/04/2015

(VietQ.vn) - Làn sóng biểu tình phản đối tại Mỹ càng trở nên dữ dội sau vụ cảnh sát da trắng Michael slager bắn chết công dân da màu Walter Scott hôm 4/4.

Theo Thanh Niên, phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ Dena Iverson cho biết các công tố viên của Ban Dân quyền và văn phòng luật sư ở Columbia, South Carolina sẽ làm việc với FBI và "sẽ có hành động cần thiết về các bằng chứng minh bạch", Los Angeles Times cho biết hôm 8/4.

Cuộc biểu tình đã diễn ra ở South Carolina sau khi đoạn video ghi lại cảnh một sĩ quan bắn chết người đàn ông da màu hôm 7/4. Cảnh sát nổ súng trong video là Michael Slager, 33 tuổi, còn nạn nhân được xác định tên Walter Scott, 50 tuổi.

CNN cho hay, ngay khi thị trưởng North Charleston - Keith Summey phát biểu tại cuộc họp báo liên quan đến sự việc, ông đã liên tục bị gián đoạn vì nhiều người biểu tình phản đối, họ hô to “không công lý! Không có hòa bình!” và kêu gọi thị trưởng Summey từ chức. Ông Summey khẳng định chính quyền thành phố này ra lệnh cấp thêm 150 camera gắn trên người cảnh sát, để mỗi viên chức sẽ mang một camera khi làm việc trên đường phố. Tại cuộc họp báo cảnh sát trưởng North Charleston - Eddie Drigger nhấn mạnh ông đã xem đoạn phim cảnh sát Slager bắn vào công dân Scott khi ông bỏ chạy.

Làn sóng biểu tình tại Mỹ đã trở nên dữ dội hơn sau video

Làn sóng biểu tình tại Mỹ đã trở nên dữ dội hơn sau video cảnh sát da trắng bắn 8 phát đạn vào một công dân da màu. Ảnh AP

Cảnh sát Michael Slager hiện đối mặt cáo buộc giết người. Tuy nhiên người dân vẫn chưa hài lòng với những gì đang diễn ra. CNN cho biết một "cơn bão" biểu tình rầm rộ đã xuất hiện trên Twitter. Cụm hashtag #WalterScott nhận được hơn 11.000 lượt đề cập chỉ trong một giờ đồng hồ hôm 8/4, trong tổng số 243.000 lượt đề cập ngày hôm ấy. Các cụm #RIPWalterScott (Walter Scott an nghỉ) và #MichaelSlager cũng là xu hướng trên Twitter.

Các cuộc biểu tình và áp lực từ mạng xã hội yêu cầu chính quyền Tổng thống Obama phải có câu trả lời sớm, trong bối cảnh cơ quan chức năng vẫn chưa ấn định ngày đưa Slager ra tòa.

Feidin Santana, người ghi lại đoạn phim cảnh sát Slager bắn Scott, cho biết anh chứng kiến sự việc khi đang trên đường đi làm hôm 4/4. Báo Tuổi Trẻ ghi nhận, Santana khẳng định đã có giằng co giữa cảnh sát Slager và Scott trước khi ông bắt đầu quay phim.

Hiện tại quá trình điều tra vẫn đang tiếp tục. Nghi phạm Michael Slager sau vụ việc đã bị sa thải khỏi ngành và giam giữ. Cảnh sát cũng từ chối thủ tục bảo lãnh của ông này, CNN cho biết.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang