Bò viên Đôi Đũa Vàng gây nghi vấn về thành phần, cá viên Basa Mekong sai quy định ghi nhãn

author 06:50 29/09/2017

(VietQ.vn) - Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa và Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) đã có nhận định về thành phần của Bò viên Đôi Đũa Vàng và cá viên Basa Mekong.

Bò viên Đôi Đũa Vàng đang tồn tại nhiều nghi vấn về nhãn hàng hóa

Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa nhận định rằng: Sản phẩm Bò viên được sản xuất và bán ra thị trường trước ngày Nghị định số 43/2017/NĐ-CP có hiệu lực do đó căn cứ để xác định việc ghi nhãn là Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

 Bò viên Đôi Đũa Vàng

Điều 13 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP (Điều 11 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) có quy định: “Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng của hàng hóa. Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 18 của Nghị định này”.

Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP (khoản 3 Điều 16 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) thì: Đối với thực phẩm phải ghi thành phần, thành phần định lượng theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng.

Thực tế công ty ghi nhãn như sau: “Tên hàng hóa: Bò viên; Thành phần: Thịt cá, thịt bò (≥ 3%),… Căn cứ quy định tại Điều 13: Công ty đặt tên hàng hóa là “Bò viên” và trong thành phần có ghi rõ thành phần định lượng của thịt bò (≥3%) là phù hợp quy định.

Tuy nhiên, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 18 và cách ghi thành phần của công ty thì: Thịt cá có thành phần định lượng lớn hơn thịt bò. Như vậy, có hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Thịt cá nhiều hơn thịt bò về khối lượng, thì việc công ty đặt tên cho sản phẩm là “Bò viên” sẽ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Trường hợp 2: Nếu thịt bò nhiều hơn thịt cá về khối lượng thì việc công ty ghi thứ tự thành phần trên nhãn hàng hóa chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

Thành phần thịt cá BASA MEKONG: Sai quy định về nhãn hàng hóa

Điều 13 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP có quy định: “Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng”.

 Cá viên Basa Mekong

Căn cứ quy định trên thì việc Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản Đại An sử dụng tên của thành phần là “Cá Basa” thì công ty bắt buộc phải ghi định lượng của thành phần đó. Trong trường hợp này Công ty không ghi rõ thành phần định lượng của Cá viên Basa Mekong trên nhãn hàng hóa là vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Kết quả từ Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT cho thấy: Hàm lượng Protein được kiểm tra trong hai mẫu Bò viên Đôi Đũa Vàng (Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Đông Đô) và Cá viên Basa (Công ty Cổ Phần Chế Biến Và XNK Thuỷ Sản Đại An) lần lượt là 12,42% và 9,95%, đúng với thông tin chỉ tiêu chất lượng mà hai doanh nghiệp này công bố trên bao bì.

Tuy nhiên, không có một phép thử nào để xác định chính xác hàm lượng thịt cá và thịt bò. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các cơ quan quản lý để tìm hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất của hai công ty trên, làm rõ thành phần thịt bò và cá trong sản phẩm để thông tin đến bạn đọc.

Hải Yến

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang