Tân Hiệp Phát không báo, sao công an biết đến để bắt Võ Văn Minh?

author 06:47 18/12/2015

(VietQ.vn) - Bà Trần Ngọc Bích, lãnh đạo Tân Hiệp Phát khẳng định không báo công an tới để bắt bị cáo Minh, mà chỉ gửi thư cầu cứu, nhưng hội đồng xét xử đã tỏ ra rất nghi ngờ với thông tin này tại phiên xử chiều 17/12.

Chiều ngày 17/12, phiên tòa xét xử vụ án Võ Văn Minh phạm tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” tiếp tục được diễn ra tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Tham gia phần xét hỏi của mình, ông Nguyễn Tuấn Ngọc – Hội thẩm nhân dân đã hỏi bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát rằng, có cho công an biết được thông tin ngày giờ sẽ giao tiền cho Minh hay không?

Bà Bích trả lời rằng, chỉ có đơn cầu cứu lên cho lực lượng công an biết có sự việc này xảy ra, chứ không báo cho công an biết thời gian và địa điểm giao tiền cho Minh. Tuy nhiên, vị Hội thẩm này đã đặt ra nghi ngờ của mình: “Không báo sao công an lại biết được điều này mà tới bắt?” thì bà Bích không thể trả lời được câu hỏi này.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang giữ quyền công tố tại tòa - ảnh: H.T

Trong bản luận tội của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang, đại diện cơ quan công tố đã khẳng định, khi phát hiện thấy có chai Number 1 có con ruồi ở bên trong, đáng lý ra phải báo sự việc ngay với các cơ quan chức năng có trách nhiệm, nhưng với bản tính lười lao động, lại có lòng tham, muốn ngồi mát để hưởng thụ, nên Võ Văn Minh đã muốn dùng phương thức này để uy hiếp, đe dọa Tân Hiệp Phát, buộc họ đưa 500 triệu đồng là vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang xác nhận, cáo trạng truy tố Võ Văn Minh tội “Cưỡng đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội, đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt Minh từ 12 – 13 năm tù.

2 luật sư bào chữa cho bị cáo Minh là luật sư Nguyễn Tấn Thy và Phạm Hoài Nam trong phần bào chữa của mình đều đã bác bỏ lại cáo trạng, đề nghị hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội, trả tự do tại phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Tấn Thy cho rằng, vụ án này đã có nhiều vi phạm tố tụng, nên đề nghị hội đồng xét xử cần phải đánh giá lại toàn diện vụ án này.

“Đáng lý ra, vụ án không nên được đưa ra xét xử, vì toàn bộ thông tin điều tra vụ án đã bị tiết lộ bởi điều tra viên tạo điều kiện cho luật sư của nhà sản xuất được phép dự các buổi hỏi cung. Vì thế, mọi lời khai tại cơ quan điều tra, đối với nhà sản xuất, không loại trừ khả năng bị thông cung, nên không còn giá trị” – luật sư Thy cho biết.

Luật sư Thy còn nêu ra sự việc, sau khi ông và luật sư Phạm Hoài Nam được cấp giấy chứng nhận bào chữa, nhưng nhiều buổi lấy cung của Minh vẫn không được mời tới dự, nhưng ngược lại thì lại thấy sự có mặt của luật sư phía nhà sản xuất là Tân Hiệp Phát. Kiểm sát viên – đại diện cho cơ quan công tố lại không phát hiện ra điều này.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Hoàng (đại diện cho phía Tân Hiệp Phát) thì cho rằng, hành vi liên tục đe dọa của Võ Văn Minh đã khiến cho Công ty Tân Hiệp Phát lo sợ, mất thương hiệu và uy tín trên thị trường, nên đã buộc phải đi giao tiền.

Công ty Tân Hiệp Phát đã cầu cứu tới công an, nhưng vẫn chưa thấy có động thái gì, mà Minh liên tục gọi điện thoại đe dọa, nên Tân Hiệp Phát đã buộc phải chi 500 triệu đồng theo lời yêu cầu của Võ Văn Minh.

Bảo vệ quan điểm cho mình trước các luật sư, đại diện cho cơ quan công tố đã một lần nữa khẳng định, hoàn toàn đủ các cơ sở pháp lý để truy tố Võ Văn Minh với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội và đúng các qui định của pháp luật.

Ngày 18/12, phiên tòa sẽ vẫn tiếp tục làm việc với phần tranh luận.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang