Tịch thu phương tiện dựa trên căn cứ pháp lý nào?

author 16:54 16/03/2015

(VietQ.vn) - Một trong những vấn đề khiến đề xuất Tịch thu phương tiện của Ủy ban ATGT Quốc gia vướng phải nhiều ý kiến phản đối là vì các căn cứ pháp lý của đề xuất chưa được rõ ràng.

Báo Chất lượng Việt Nam xin được giới thiệu toàn bộ những căn cứ pháp lý liên quan đến đề xuất này, bao gồm các quy định hiện hành đối với việc xử lý người tham gia giao thông uống rượu bia và các quy định liên quan đến bảo hộ và tịch thu tài sản.

Xử lý người tham gia giao thông uống rượu bia

Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008 quy định các  hành vi bị nghiêm cấm tại điều 8, trong đó có việc điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ngày 13 tháng 11 năm 2013 cũng có các điều 5 và điều 6 liên quan.

Điều 5 quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Khoản 5, điểm b, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa tới mức vi phạm quy định.

Khoản 7, phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Khoản 8, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Điều 6, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Khoản 5 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Khoản 6, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Bộ GTVT đang chủ trì lấy ý kiến để trình Chính phủ về đề xuất tịch thu phương tiện đối với người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ảnh: VnExpress.net

Bảo hộ và tịch thu tài sản

Trong Hiến pháp năm 2013, có điều 32 và điều 51 có liên quan đến bảo hộ và tịch thu tài sản của công dân. Tại Khoản 1, điều 32 quy định, mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Khoản 2, Điều 32 quy định, quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Khoản 3, trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Điều 51, khoản 3 quy định, trường hợp là tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2012 cũng có điều 40 và 41 về Tịch thu tài sản.

Cụ thể, Điều 40 quy định, tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án sung quỹ nhà nước. Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối

với người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc

biệt nghiêm trọng trong trường hợp do Bộ luật  này  quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

Điều 41 quy định, tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm.

Khoản 1, điều 41: Việc  tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; Vật  thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

Khoản 2, đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Khoản 3, vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước.

Đặc biệt, Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012, điều 26 quy định, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

Lo ngại gia tăng hối lộ

Đưa ra bình luận về các căn cứ pháp lý trên, ông Trần Vũ Hải cho hay, đại đa số phản đối đề xuất tịch thu phương tiện là do lo ngại tăng quyền cho cảnh sát giao thông, có thể làm gia tăng tình trạng đưa hối lộ và nhận hối lộ, tịch thu tùy tiện.

Ông Trần Vũ Hải khuyến nghị cần quy định những biện pháp nhằm giảm thiểu tệ nạn trên. Cụ thể, có thể giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh thẩm quyền ra quyết định tịch thu. Việc kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phải theo kế hoạch, quy trình được Chủ tịch UBND cấp tỉnh thông qua, có quay video làm bằng chứng. Người vi phạm có bằng chứng cảnh sát nhũng nhiễu, nếu tố cáo đúng sẽ được miễn trừ xử phạt, nếu đã nộp hoặc phương tiện bị tịch thu sẽ được hoàn trả lại.

“Người nộp phạt thay trong trường hợp này sẽ là anh cản sát giao thông đã nhũng nhiễu. Nếu quy định công bằng như vậy sẽ tăng lượng người ủng hộ đề xuất”, ông Trần Vũ Hải nói.

Trần Hoài

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang