Than tồn chất thành núi nhưng TKV 'kiên quyết không bán than bằng mọi giá'

author 06:59 22/10/2016

(VietQ.vn) - Hiện có những khách hàng nợ hàng nghìn tỷ đồng trong khi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam phải chịu chi phí lãi vay, chênh lệch tỉ giá.

Theo báo cáo 54 mặt hàng nhập khẩu lớn về Việt Nam của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, đạt giá trị kim ngạch hơn 600 triệu USD, trong 8 tháng đầu năm.

Trong đó mặt hàng than đá có tốc độ nhập khẩu tăng cao đột biến về cả lượng và giá trị. Tính trung bình mỗi tháng Việt Nam đã phải nhập 1,2 triệu tấn, tương ứng khoảng hơn 75 triệu USD/tháng.

Tốc độ tăng của mặt hàng này so với cùng kỳ năm trước đều vượt 100%, trong đó về khối lượng nhập khẩu tăng 191%, giá trị kim ngạch nhập khẩu cũng hơn 107% so với cùng kỳ năm 2015.

Riêng đối với Quảng Ninh, theo Cục Hải quan tỉnh này cho biết, đến 30/9, tổng lượng than nhập khẩu qua địa bàn tỉnh là 3,4 triệu tấn (tăng 385,7% so với cùng kỳ năm 2015), trị giá 197,5 triệu USD (tăng 278,4% so với cùng kỳ năm 2015).

Nhiều chỉ tiêu đều không thể thực hiện

Hiện tại, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, tồn kho tăng, giá khoáng sản giảm mạnh... Tính đến cuối tháng 6/2016, lượng than tồn kho của Tập đoàn đã vượt ngưỡng 11 triệu tấn, trong đó than sạch 8,2 triệu tấn.

Than tồn chất thành núi tại một Công ty than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh - Phạm Ngọc Anh.

Kết quả trên đưa đến doanh thu toàn Tập đoàn trong 9 tháng qua ước đạt 71.460 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch năm và bằng 98% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ than đạt 36.900 tỷ, bằng 65% kế hoạch và bằng 98% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đạt 8,405 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, công nợ phải thu hồi của khách hàng trong và ngoài Tập đoàn đang ở mức khá cao, khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó có một số khoản nợ có rủi ro rất lớn và có nguy cơ không thể thu hồi.

Nguyên nhân của việc sụt giảm này được TKV đánh giá là do khó khăn trong tiêu thụ than, cả nội địa và xuất khẩu. Theo đó, trong 9 tháng, xuất khẩu than của TKV chỉ bằng 37% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân trực tiếp là do đến cuối tháng 4/2016, Chính phủ mới cho phép xuất khẩu than nên các khách hàng lớn đã chuyển sang ký hợp đồng mua than của các nước khác. Trong khi đó, than tiêu thụ trong nước chủ yếu bán cho các nhà máy nhiệt điện chạy than với tỉ trọng chiếm tới 80% tổng khối lượng than. Tuy nhiên, do 6 tháng đầu năm, một số nhà máy nhiệt điện lớn (Vũng Áng, Uông Bí...) gặp sự cố phải dừng hoạt động nên không nhập than. Hơn nữa, tiến độ nhận than của một số dự án nhiệt điện khác (An Khánh, Vũng Áng 1...) không thực hiện đúng theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

TKV không hề khó khăn, họ đang xây trụ sở rất hoành tráng(VietQ.vn) - Trước thông tin cho rằng việc nhập than của TKV không khác nào “chở củi về rừng”, TKV đã lên tiếng. Tập đoàn này còn cho biết đang xây trụ sở rất to.

Bên cạnh đó, một số nhà máy xi măng khi xuất khẩu sản phẩm Clanke đã thực hiện đối lưu nhập khẩu than từ các khách hàng quốc tế thay vì mua than của TKV. Đồng thời, than bán cho các nhà máy sản xuất phân bón cũng giảm do đầu năm nay, nhiều địa phương gặp phải hạn hán, xâm nhập mặn khiến các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, dẫn đến giảm nhu cầu than.

Đặc biệt, các loại thuế, phí trong giá thành than sản xuất trong nước liên tục tăng trong những năm gần đây. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác 2% thì tổng các loại thuế, phí mà than hầm lò phải chịu là 12%, than lộ thiên là 14% mức thuế suất thuế tài nguyên gần như cao nhất so với các nước trong khu vực đã gây sức ép không nhỏ lên giá thành than tiêu thụ trong nước.

Giảm tồn kho than, đẩy mạnh tiêu thụ

Trước những khó khăn trên, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải yêu cầu, bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại của năm 2016 là giảm tồn kho than. Theo đó, từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên phải tích cực, chủ động hơn nữa trong chế biến, tìm kiếm khách hàng... với mục tiêu lượng than tồn kho không được vượt quá 9 triệu tấn khi kết thúc năm.

Ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng khó khăn của ngành than.

Với hơn 10 đơn vị thành viên báo cáo lỗ trong 9 tháng qua, ông Hải yêu cầu phân tích rõ nguyên nhân lỗ. Ngoài ra, ông Hải nhấn mạnh tới công tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thu hồi công nợ với hàng loạt nhóm giải pháp “rà soát, điều chỉnh, thúc đẩy”, bảo đảm, duy trì sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập của người lao động, đẩy mạnh tiêu thụ than và bảo đảm cung cấp đủ than cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước thực trạng một số khách hàng tiêu thụ còn dư nợ tiền mua than rất lớn, báo Chính phủ dẫn lời ông Hải kiên quyết: “Sẽ không bán than bằng mọi giá, thậm chí có thể tạm dừng cung cấp để thu hồi công nợ đối với những khách hàng này”, bởi có những khách hàng nợ hàng nghìn tỷ đồng trong khi TKV phải chịu chi phí lãi vay, chênh lệch tỉ giá.

Ngoài những giải pháp quyết liệt, lãnh đạo TKV cũng mong muốn, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan quan tâm, giải quyết sớm những kiến nghị của Tập đoàn, trong đó có các vấn đề nổi cộm như chính sách thuế, phí tài nguyên, phí cấp quyền khai thác; công tác quy hoạch các đầu mối nhập khẩu than và chính sách thuế đối với than nhập khẩu để tạo công bằng, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường than, tạo điều kiện phát triển sản xuất, tiêu thụ than trọng nước...

VIẾT CƯỜNG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang