Tình hình Ukraine: Quân ly khai từ chối đề nghị trao quyền tự trị đặc biệt của chính phủ Ukraine

author 07:42 18/10/2014

(VietQ.vn) - Lực lượng quân ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đã từ chối đề nghị trao quy chế tự trị đặc biệt từ chính phủ Kiev, động thái đã gần như phá hủy kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm do các bên tham chiến ký kết vào tháng trước.

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, thông báo này được đưa ra khi các đơn vị chiến đấu của quân đội Ukraine cho biết họ liên tiếp bị nã đạn hoặc nếu không cũng bị tấn công khoảng 50 lần vào thứ Năm tuần này (ngày 16/10). Được biết, tồng thống Ukraine đã ký điều luật trao “quyền tự trị đặc biệt” cho Donetsk và Luhansk trước khi tham gia cuộc đàm phán với tổng thống Nga Putin vào thứ Sáu ngày 17/10. 

Ukraine dự định áp “quy chế tự trị đặc biệt” cho Donetsk và Luhansk trong vòng 3 năm

Ukraine dự định áp “quy chế tự trị đặc biệt” cho Donetsk và Luhansk trong vòng 3 năm. Ảnh minh họa

Theo đó, điều luật này kêu gọi các điểm bầu cử địa phương ở miền đông, các quan chức quận, thành phố khu vực nhượng quyền nhằm thuyết phục thủ lĩnh quân ly khai thân Nga chấp nhận chủ quyền Ukraine trên những vùng đất mà lực lượng này hiện đang nắm quyền kiểm soát.

Tuy nhiên, thủ lĩnh quân ly khai đã gần như ngay lập tức từ chối đề nghị nhượng quyền nói trên và tuyên bố sẽ không đánh đổi nền độc lập toàn vẹn lấy những lợi ích tạm thời. “Chính phủ Ukraine có thể áp dụng bất kỳ luật nào họ muốn, nhưng họ không liên quan gì đến chúng tôi. Chúng tôi là một nhà nước độc lập, các công dân của vùng này đã bỏ phiếu chọn độc lập”, Thủ tướng Alexander Zakharchenko của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng nói.

Cộng hòa Donetsk và tổ chức chị em của nó, Cộng hòa nhân dân Luhansk được quân ly khai thân Nga thành lập sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 11/5. Trong khi đó, đề nghị phân quyền là một trong 12 điểm của thỏa thuận ở Minsk ngày 5/9, dẫn đến sự ra đời của lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực vào cùng ngày. Thỏa thuận Minsk 12 điểm với chữ ký của các bên Nga, Ukraine, châu Âu và đại điện đàm phán của quân ly khai được xem là bước mở đường cho một hiệp ước hòa bình nhằm kết thúc cuộc nội chiến Ukraine đã tước đoạt mạng sống của hơn 3500 người. 

Những người biểu tình mang cờ Nga ở thành phố Donetsk, miền đông Ukraine

Những người biểu tình mang cờ Nga ở thành phố Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn mong manh này đã hoàn toàn sụp đổ trong vài tuần qua với những cuộc chiến đẫm máu tại sân bay Donetsk và khu vực nằm trong vùng tranh chấp gần thị trấn Debaltsovo. Hiện nay, thủ lĩnh quân ly khai đang tìm cách phá vỡ những điều khoản góp phần lớn trong việc công nhận chủ quyền của Ukraine ở Donetsk và Luhansk cũng như buộc quân ly khai phải từ bỏ những lợi thế quân sự cốt lõi. 

Giới phân tích nhận định, thủ lĩnh Zakharchenko là người đã thay mặt quân ly khai thân Nga ký vào thỏa thuận Minsk nhưng không lâu sau tuyên bố ông bị ép phải ký tên và coi đó là một “hành động phản bội”. Không ít ý kiến cho rằng, rất có thể thủ lĩnh Zakharchenko sẽ tái đắc cử vị trí đứng đầu trong bộ máy nhà nước tự phong ở Donetsk vào cuộc bầu cử địa phương vào tháng tới. Đồng thời, cấp dưới của thủ lĩnh Zakharchenko ông Andrei Purgin cũng lên tiếng phản đối điều khoản yêu cầu quân ly khai phải trao trả quyền kiểm soát biên giới Nga – Ukraine cho chính phủ Kiev.

Rõ ràng là, việc nắm được quyền kiểm soát biên giới là rất trọng yếu bởi lực lượng quân khai phải dựa vào các đường tiếp tế từ vùng Rostov của Nga dù Moscow luôn phủ nhận việc cung cấp vũ khí và binh lính cho lực lượng này. Hiểu được điều này, người đứng đầu chính quyền Kiev từng khẳng định tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine sẽ được giải quyết chỉ trong vòng vài tuần nếu Ukraine có thể lấy lại quyền kiểm soát biên giới. 

Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Ukraine “ít nhất trong mùa đông tới” sau khi Kiev trả tiền nợ

Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Ukraine “ít nhất trong mùa đông tới” sau khi Kiev trả tiền nợ. Ảnh minh họa

Để làm được điều này, Anh đã cam kết cung cấp cho quân đội Ukraine áo jacket và trang phục mùa đông như một phần của gói cứu trợ quân sự không gây chết người. Thêm vào đó, mới đây Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cho biết sẽ cung cấp 1000 áo chống đạn và mũ bảo hiểm, 500 bộ quần áo mùa đông, 500  áo ponsô (loại áo choàng bằng một tấm vải to có khe hở ở giữa để chui đầu qua) và 80 bộ dụng cụ y tế. 

Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters dẫn lời tổng thống Putin cho biết ông và người đồng cấp Petro Poroshenko đã cùng thông qua các điều khoản liên quan đến việc Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Ukraine “ít nhất là trong mùa đông tới”. Ngoài ra, tổng thống Putin cũng cho hay Ukraine đang trong giai đoạn thiếu hụt tài chính và tỏ ý hy vọng các đối tác phương Tây của Kiev có thể giúp khắc phục tình trạng thâm hụt tiền mặt. 

Minh Thùy

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang