Việt Nam hưởng lợi từ TPP: "Tôi lo lắng nhất là sự chuẩn bị..."

author 09:01 07/10/2015

"Tôi lo cho Vinamilk, họ đang phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Khi sữa của Úc vào chắc chắn sẽ rẻ hơn rất nhiều. Rồi trái cây cũng phải chịu sức ép từ hàng nhập khẩu..."

Hiệp định TPP được xem là một Hiệp định toàn diện, mở ra nhiều cơ hội cho các nước tham gia, đóng góp 40% GDP của toàn cầu. Mục tiêu của TPP là mở cửa thị trường, xóa bỏ mọi hàng rào cản thương mại.

Không tỏ ra quá bất ngờ và vui mừng TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cao cấp, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với PV: “Nếu nhìn chung tương quan giữa cơ hội và thách thức thì đương nhiên cơ hội mà TPP mang lại nhiều hơn".

"Cơ hội cũng đã nói đến nhiều nhưng điều tôi lo lắng nhất là sự chuẩn bị của Việt Nam để đón nhận cơ hội đó”, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ.

Theo TS. Hồ, nông sản, dệt may sẽ là lĩnh vực có lợi thế nhiều nhất. Nhưng đó là những cơ hội tiềm năng và không thể biến thành hiện thực ngay trong 1- 2 năm sắp tới. Trong khi đó Việt Nam phải đương đầu, chống chọi với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Điều này sẽ rất khốc liệt.

“Với hội nhập, chăn nuôi thịt của chúng ta không còn hi vọng. Tôi cũng lo cho doanh nghiệp Vinamilk, họ đang phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Khi sữa của Úc vào chắc chắn sẽ rẻ hơn rất nhiều và chúng ta phải cạnh tranh ngay thị trường trong nước. Rồi trái cây cũng phải chịu sức ép từ hàng nhập khẩu. Việt Nam phải cố gắng hơn rất nhiều”, TS. Hồ nói.

Để khai thác được cơ hội thì phải giải quyết nhiều vấn đề. Vấn đề hàng đầu là nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Thứ hai là xuất xứ hàng hóa. Hiện nay nhiều hàng hóa có nguyên vật liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam để tranh thủ cơ hội.

“Khi tham gia TPP chúng ta xuất khẩu nhiều hơn, tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế…nhưng tôi nghĩ lợi thế sẽ không đến ngay. Đối với cá nhân tôi quan trọng nhất là TPP tạo ra sức ép để đổi mới, cạnh tranh nhanh hơn. Có đổi mới, cải cách nhanh hơn, môi trường đầu tư kinh doanh mới có thể tiến lên”, TS. Hồ bày tỏ.

Theo TS. Hồ, đối với doanh nghiệp FDI họ đã quen và không quá lo lắng khi bước vào hội nhập. Vấn đề lớn của họ là xuất xứ hàng hóa. Còn doanh nghiệp nhà nước phải đẩy mạnh, tăng tốc cổ phần hóa. Những doanh nghiệp nào đã cổ phần hóa rồi phải đổi mới quản trị.

“DN vừa và nhỏ là đối tượng mà tôi lo lắng nhất vì năng lực, nhận thức yếu. Tôi nghĩ doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay lập tức chú ý yêu cầu mới, xem, tính toán lại chiến lược kinh doanh, sản xuất như thế nào, đáp ứng đúng yêu cầu chứ đừng làm theo lối cũ”, TS. Hồ chia sẻ.

Chia sẻ với PV, TS. Lê Đăng Doanh , Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá cao việc kết thúc đàm phán khó khăn qua nhiều năm và đặc biệt là nỗ lực của Việt Nam ngay từ đầu đã tham gia, kiên trì thực hiện quá trình đàm phán đi đến kết thúc. Hiệp định này là một bước tiến quan trọng, mở ra cho Việt Nam rất nhiều cơ hội cũng như thách thức sắp tới.

Theo TS. Doanh, Việt Nam tham gia TPP là nước kém phát triển nhất, cơ cấu kinh tế của Việt Nam khác các nước khác, trình độ cũng khác nên nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế các nước khi tham gia TPP sẽ bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh nhau. Đây là khác biệt lớn khi Việt Nam tham gia ASEAN cũng như khi tham gia Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) do Trung Quốc hiện nay đang thúc đẩy.

Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ được mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản với các sản phẩm như dệt may, da giày, túi sách, đồ gỗ và các mặt hàng nông sản. Hơn nữa, Nhật Bản cũng rất muốn hợp tác với Việt Nam trong sản xuất rau quả tươi, cá và các sản phẩm khác. Đó là những tín hiệu đáng mừng của Việt Nam.

Cũng theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, Việt Nam sẽ thu hút được thêm đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng GDP cao hơn, có thể đạt khoảng 35 tỷ USD, mức tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm sắp tới.

Bên cạnh đó, TPP cũng đặt ra rất nhiều thách thức. 

TPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết ở trình độ cao đòi hỏi Việt Nam phải phấn đấu mới có thể đạt được. Việt Nam phải cải cách nhiều luật pháp, cải cách mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các điều kiện về lao động, nâng cao trình độ….

TS. Lê Đăng Doanh cũng lo ngại ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn. Bởi ngay từ bây giờ, gà Mỹ giá rẻ đã tràn vào Việt Nam.

“Để có thể cạnh tranh, Việt Nam phải cơ cấu lại nông nghiệp, tổ chức lại lĩnh vực chăn nuôi, giảm bớt chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng”, ông nói.

Trước đó, Báo cáo của VEPR đã chỉ ra những tác động lớn của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam đó là khi Hiệp định được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm về 0% khiến doanh thu từ thuế giảm; Nhập khẩu gia tăng trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm; Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do không những đòi hỏi các nước tham gia phải cắt giảm thuế quan mà càng quan tâm hơn đến vấn đề cắt giảm hàng rào phi thuế quan như chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu; Khi tham gia TPP Việt Nam phải điều chỉnh cả những yếu tố không phải yếu tố thương mại

Chính vì vậy các nước sẽ có xu hướng áp dụng các hàng rào kỹ thuật thay thế để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa của mình. Và cuối cùng, đầu tư (bao gồm cả đầu tư trong nước và nước ngoài) của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Các nước sẽ tăng cường dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam trong việc thu hút hiệu quả dòng vốn FDI.

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang