TPP: Ngành chăn nuôi đối mặt với phá sản

author 11:28 06/10/2015

(VietQ.vn) - TPP sẽ mở ra cơ hội đối với nhiều ngành kinh tế của Việt Nam như dệt may, da giầy,...nhưng là khó khăn rất lớn đối với một số ngành, đặc biệt là chăn nuôi.

5 đặc điểm cơ bản của TPP

Thông tin từ Bộ Công thương khẳng định, có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặc của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới. 

Đặc điểm thứ nhất là tiếp cận thị trường một cách toàn diện. Hiệp định TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Điều này tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên.

Đặc điểm thứ hai là TPP tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết. Theo đó, TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước. 

Thứ ba, TPP giải quyết các thách thức mới đối với thương mại. TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu. 

Thứ tư, TPP bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại. TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại. Hiệp định bao gồm các cam kết nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rõ về Hiệp định, tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định mang lại và nêu lên những thách thức đáng chú ý tới chính phủ các nước thành viên. Hiệp định TPP cũng bao gồm những cam kết cụ thể về phát triển và nâng cao năng lực thương mại để đảm bảo rằng tất cả các Bên đều có thể đáp ứng được những cam kết trong Hiệp định và tận dụng được đầy đủ những lợi ích của Hiệp định.

Đặc điểm lớn cuối cùng là Hiệp định TPP tạo nền tảng cho hội nhập khu vực. Thỏa thuận TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Dệt may hưởng lợi từ Hiệp định TPP

Dệt may được hưởng lợi trong TPP

Dệt may của Việt Nam là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định TPP

Theo Bộ Công thương, các Bên tham gia Hiệp định TPP nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may – ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế tại một số thị trường của các nước TPP. Hầu hết thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay lập tức, mặc dù thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm sẽ được xóa bỏ với lộ trình dài hơn do các Bên thống nhất. Các quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP  - cũng sẽ thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư khu vực trong lĩnh vực này, cùng với cơ chế “nguồn cung thiếu hụt” cho phép việc sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực. 

Ngay sau khi hoàn tất quá trình đàm phán, Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng cho biết: “Dệt may đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, khi tham gia TPP, lĩnh vực dệt may của chúng tôi sẽ tăng trưởng nhanh hơn, làm lợi cho người nghèo. Ngành này tại Việt Nam đang sử dụng khoảng một triệu lao động. Tôi muốn cảm ơn các quốc gia TPP vì đã tạo các điều kiện thuận lợi cho dệt may Việt Nam”.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), gia nhập TPP, dệt may sẽ là ngành đầu tiên được hưởng lợi. Cụ thể, các nước tham gia Hiệp định TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật.

Theo dự báo của World Bank, sản lượng ngành dệt may sẽ tăng 21% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90% vào năm 2020. Khi TPP có hiệu lực, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” buộc doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong khối TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi. Do đó, cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sẽ có sự thay đổi lớn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan. Dòng vốn FDI đầu tư vào ngành dệt may được dự báo sẽ tăng mạnh do hiệu ứng TPP, đặc biệt là dòng vốn từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông do ý thức được sự chuyển dịch nguồn cung trong tương lai.

Ngoài ra, tuy không được hưởng thuế suất 0%, một số doanh nghiệp dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của doanh nghiệp nước ngoài để gia công.

Đánh giá về tác động của Hiệp định TTP đối với ngành dệt may, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ngành dệt may kỳ vọng TPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỷ USD vào năm 2030. "Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn ngành dệt may lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ TPP với nguyên tắc “Yarn Forward”, đòi hỏi hàm lượng TPP ở mức cao", ông Lê Đăng Doanh nói.

Chăn nuôi "nguy cấp"

Chăn nuôi bị hại trước TPP

Chăn nuôi là ngành dự báo sẽ chịu nhiều thiệt hại khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP

Hai ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi Việt Nam gia nhập TTPP là nông nghiệp và dệt may. Nếu như ngành dệt may có nhiều cơ hội thì nông nghiệp lại là ngành chịu những tác động khác nhau.  

Theo TS. Lê Đăng Doanh, trong nông nghiệp, trồng trọt, lương thực, thủy sản có cơ hội cạnh tranh nhưng ngô, mía đường kém. Đặc biệt, chăn nuôi là ngành “nguy cấp” với 3 đối tượng chính là heo, gà và bò. Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị thua thiệt.

Ông Phạm Tân Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân đánh giá, ngành chăn nuôi là ngành sẽ phải cạnh tranh mạnh nhất khi Việt Nam gia nhập TPP. Nguyên nhân bởi ngành chăn nuôi của Việt Nam nhỏ lẻ, trong khi nhiều nước trên thế giới có quy mô chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn. "Doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị với sức ép cạnh tranh khi thuế nhập khẩu về 0%", ông Hùng nói.

Để nâng cao sức cạnh tranh, chuẩn bị cho quá trình gia nhập TPP, được biết Công ty TNHH Ba Huân là công ty đầu tiên nhập máy xử lý trứng từ một tập đoàn xử lý trứng tự động hóa 100% tốt nhất trên thế giới. Từ đó công ty này đã làm thay đổi thói quen sử dụng trứng của người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, quy trình sản xuất trứng sạch, thịt gia cầm sạch và chuẩn hóa trang trại chăn nuôi gia cầm ở Bình Dương với quy trình khép kín cũng đã được Ba Huân đầu tư. 

Đối với ngành chăn nuôi gia cầm, khi Việt Nam gia nhập TPP, lợi nhuận chăn nuôi gà siêu thịt sẽ hẹp đi. Đại diện công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư cho rằng, trong bối cảnh đó, lựa chọn gà ta là một giải pháp để đạt ngưỡng an toàn. "Doanh nghiệp chăn nuôi cần tạo được thương hiệu sản phẩm và lối đi khác biệt khi Việt Nam gia nhập TPP và chịu cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Gà ta mang thương hiệu Việt có thể là một lựa chọn bởi hiiện tại, người chăn nuôi gà ta có tỷ trọng lỗ rất thấp so với các loại gà khác", vị đại diện này nói.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang