35% nhà máy đóng cửa, ngành dệt may khó đạt mục tiêu năm 2021

author 15:04 03/08/2021

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay, đã có 3% nhà máy dệt may phải đóng cửa, nhiều đối tác nước ngoài rút đơn hàng chuyển sang nước thứ ba, nhiều lao động đã bỏ nhà máy về quê. Những khó khăn này khiến xuất khẩu dệt may trong cả năm 2021 có thể chỉ đạt khoảng 32-33 tỷ USD, thay vì con số 39-39,5 tỷ USD như mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

Đối mặt nguy cơ mất đơn hàng, thiếu lao động

Chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam - VietQ.vn ngày 2/8/2021, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư lan rộng khiến TP.Hồ Chí Minh, 19 tỉnh thành phía Nam và Thủ đô Hà Nội phải thực hiện giãn cách.

 Công ty May Bình Minh thực hiện "3 tại chỗ". Ảnh Vitas

Trong tình hình đó, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” thì mới được sản xuất. Hiện đã có tới 35% các nhà máy trong ngành phải đóng cửa. Một số doanh nghiệp đã thực hiện mô hình “3 tại chỗ” cũng không hiệu quả. Phần lớn ở các nhà máy chỉ có 30-40% công nhân đồng ý tham gia “3 tại chỗ”. Ở một số doanh nghiệp, số công nhân tham gia sản xuất “3 tại chỗ” chỉ đạt 10-20%.

Đến nay, sau gần một tháng “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào khủng hoảng vì trong nhà máy đã có nhiều dương tính. Sản xuất bị đình trệ.

Thiếu lao động là mối lo ngại nữa của ngành dệt may. Hiện công nhân ở các nhà máy phía Nam đang rời nhà máy quê khá nhiều vì lo dịch bệnh. Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, số lao động quay trở lại nhà máy làm việc khi doanh nghiệp hoạt động trở lại khả năng chỉ đạt được 60-65%. Như vậy sẽ thiếu hụt nguồn lao động rất nghiêm trọng trong thời gian tới. Ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt thách thức lớn ngay trong tháng 8 và cả quý III/2021.

Với tình hình hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành đơn hàng, có thể sẽ bị đối tác phạt. Nhiều đối tác nước ngoài đã bắt đầu rút đơn hàng chuyển sang nước thứ ba, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Dệt may là ngành sản xuất theo thời vụ, việc đảm bảo tiến độ giao hàng rất quan trọng, nếu không thể giao hàng đáp ứng về mặt thời gian sẽ gây đứt gãy nguồn cung, khách hàng yêu cầu hủy đơn hàng, như thế sẽ ảnh hưởng đến cả năm 2022, ảnh hưởng cho trung hạn- Chủ tịch VITAS cho hay.

Tiêm vaccine cho người lao động- giải pháp hàng đầu

Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may đạt gần 19 tỷ USD. Nếu hết tháng 8/2021, kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp trở lại làm việc ở trạng thái bình thường theo Chỉ thị 15 của Chính phủ thì con số xuất khẩu cả năm nay dự kiến đạt khoảng 32-33 tỷ USD. Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu ban đầu đặt ra năm 2021 là 39-39,5 tỷ USD.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Chủ tịch VITAS cho rằng, vấn đề cấp thiết của ngành dệt may hiện nay cũng như của các ngành sản xuất khác, đó là người lao động được tiêm vaccine.

Ông Vũ Đức Giang đề nghị Chính phủ cần đánh giá tình hình thực trạng các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp dệt may ở các địa phương để có chính sách phân bổ vaccine về địa phương. Các địa phương cũng cần quan tâm tiêm cho người lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp.

Hiện tỷ lệ tiêm vaccine của ngành dệt may Việt Nam còn rất thấp. Nếu lao động của doanh nghiệp không được tiêm vaccine, doanh nghiệp sẽ đối mặt với vấn đề không đảm bảo tiến độ giao hàng cho các nhãn hàng, làm đứt gãy nguồn cung, đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành dệt may Việt Nam cho toàn cầu, khó giữ chân được đối tác- Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang