An Giang: Phát hiện xe ô tô vận chuyển nhiều thiết bị điện thoại di động không rõ nguồn gốc

author 07:37 05/11/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh An Giang) vừa bắt giữ xe ô tô khách vận chuyển số lượng lớn thiết bị điện thoại di động không có hóa đơn, chứng từ.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh An Giang) cho biết, mới đây, trên tuyến Quốc lộ 91, đoạn thuộc xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, Tổ công tác của Trạm Cảnh sát giao thông Châu Phú thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh An Giang phát hiện xe ô tô khách, biển kiểm soát 51B. 067.04 do lái xe Võ Văn Dũng (sinh năm 1955, trú tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) điều khiển, có biểu hiện nghi vấn, nên tiến hành dừng phương tiện kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô tô này có 7 thùng giấy và 2 bao ni lông, bên trong chứa 1.700 chiếc pin điện thoại di động, 3.670 màn hình điện thoại di động và 257 chiếc điện thoại di động các loại.

Toàn bộ số hàng hoá trên đều có xuất xứ nước ngoài và đã qua sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Võ Văn Dũng không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên.

Tổ công tác tiến hành bàn giao hồ sơ, tang vật, phương tiện cho Công an huyện Châu Phú (An Giang) để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

 Lô hàng hóa vi phạm bị thu giữ trên xe ô tô.

Nói tới phụ kiện điện thoại giá rẻ, không rõ nguồn gốc, các chuyên gia của Thegioididong cho biết, hiện tại phụ kiện điện thoại trên thị trường rất phong phú nhưng không đồng nghĩa chất lượng tốt sẽ mắc hơn. Bởi vậy, người dùng rất khó biết được nguồn gốc và chất lượng thực sự của sản phẩm.

Thông thường, các phụ kiện thường chia ra 2 loại là trang trí và sử dụng. Với loại trang trí thường là bao da, ốp lưng, dán da,... Những loại này nếu mua hàng kém chất lượng tuy không gây ảnh hưởng tới thiết bị nhưng cần lưu ý phụ kiện này thường được sử dụng nguyên liệu tái chế và có thể không được xử lý tốt nên nguy cơ về sức khoẻ khi tiếp xúc thời gian dài vẫn có thể xảy ra.

Loại thứ 2 là phụ kiện sử dụng, là các phụ kiện liên kết trực tiếp với thiết bị như: Sạc cáp, tai nghe, dán màn hình hay các loại sạc dự phòng,... Loại này nếu mua nhầm hàng kém chất lượng thì vô cùng nguy hiểm. Nhẹ có thể gây loạn cảm ứng, nặng hơn là liệt các điểm cảm ứng và thậm chí gây cháy nổ thiết bị. Với loại này, thường thấy nhiều nhất là sạc, cáp, tai nghe nhái của các hãng lớn và sạc dự phòng.

Với nhiều sản phẩm phụ kiện điện thoại như hiện nay người dùng cần bổ sung một số kiến thức cơ bản để chọn lựa cho mình các phụ kiện đúng chuẩn để bảo vệ thiết bị và chính bản thân. Đừng vì ham rẻ mua phải những loại hàng kém chất lượng để rồi rước họa vào thân.

Liên quan tới chế tài xử lý đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:

1) Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

 Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang