Ăn nhiều muối có thể gây tổn hại tới nhiều bộ phận của cơ thể

authorNgọc Nga 07:18 17/09/2023

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, việc ăn nhiều muối không chỉ gây hại làn da mà còn khiến tổn hại tới nhiều bộ phận khác của cơ thể.

Theo thông tin từ Bệnh viện K, hiện nay, người Việt Nam đang ăn khoảng 12-15g muối/ngày, cao gấp 2-3 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Thói quen ăn mặn ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của mọi độ tuổi, cả người trong độ tuổi thanh niên và trung niên đang có sức khỏe tốt. Vì hậu quả việc ăn mặn đến chậm nên nhiều người vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của chế độ ăn giảm mặn.

Sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối, ăn mặn kéo dài là thói quen không tốt cho sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Trong ung thư dạ dày, vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt là HP) là yếu tố nguy cơ chính, do loại vi khuẩn này gây nên viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư. Muối là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP này.

Ăn nhiều muối có thể gây tổn hại tới nhiều bộ phận của cơ thể. Ảnh minh họa

Thói quen ăn mặn sẽ làm lượng muối Natri tích tụ theo thời gian, vượt khỏi khả năng loại bỏ của thận. Natri tích tụ, kéo theo hiện tượng giữ nước trong máu để pha loãng natri. Từ đó làm tăng lượng nước trong tế bào và tế bào cơ trơn của thành mạch lúc này đã có nhiều ion natri di chuyển vào khiến mạch bị co lại. Tăng thể tích máu nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn.

Theo thời gian áp lực máu trên thành mạch tăng sẽ dẫn đến cao huyết áp, đau tim, đột quỵ. Tình trạng này kéo dài dẫn đến suy tim. Ăn mặn trong thời gian dài còn gây ức chế hấp thu và sử dụng canxi của cơ thể, dẫn đến sự mất mát khối lượng xương gây loãng xương. Phụ nữ sau khi mãn kinh, bệnh nhân tiểu đường và người già có nguy cơ cao của bệnh loãng xương, thậm chí người khỏe mạnh ăn mặn trong thời gian dài cũng nằm trong nhóm nguy cơ.

Ngoài ra ăn mặn còn làm tổn hại đến làn da của con người như bong tróc, nổi mụn, sưng bọng mắt và lão hóa sớm. Bởi Natri là chất dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, dung nạp quá nhiều natri có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như tăng huyết áp, phù nề, chướng bụng, mất nước, da dễ khô, lão hóa. 

Hấp thụ lượng lớn natri làm giảm lượng nước mà các cơ quan nội tạng hấp thụ. Điều này thúc đẩy cơ thể hút nước từ tế bào và da, dẫn đến mất nước. Da trở nên khô, bong tróc theo thời gian.

Đồ ăn mặn không chỉ gây mất nước mà còn khiến da tăng tiết dầu để dưỡng ẩm. Da đổ nhiều dầu hơn làm tăng nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông, gây viêm da và dẫn đến mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn nhọt.

Thực phẩm nhiều muối thường kích thích hệ thống dây thần kinh ngoại biên, tổn thương trên da gây ngứa, khó chịu. Do đó, người mắc bệnh chàm hạn chế ăn mặn. Theo nghiên cứu công bố năm 2019 của Trường Đại học Munich, Đức, hàm lượng natri trong muối có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch có liên quan đến viêm da dị ứng.

Chế độ ăn nhiều muối có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa. Tiêu thụ thức ăn chiên trong dầu ở nhiệt độ cao cũng giải phóng các gốc tự do, có thể gây tổn thương DNA và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Theo nghiên cứu công bố năm 2023 từ Viện Tim, Phổi và Máu quốc gia Mỹ, cho thấy nồng độ natri trong máu vượt quá ngưỡng nhất định khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn, tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính và tử vong sớm. Dữ liệu phân tích hơn 15.000 người, độ tuổi 45-66, trong 25 năm.

Muối khiến cơ thể giữ nước, dẫn đến hình thành bọng mắt do vùng xung quanh mắt rất mỏng và nhạy cảm. Khi tiêu thụ món mặn, cơ thể giữ thêm nước để cân bằng lượng muối thừa, gây sưng tấy.

Theo khuyến cáo của WHO, người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn dưới 5g muối/ngày. Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, chỉ nên ăn dưới 1g muối/ngày, trẻ từ 1-3 tuổi nên ăn 3g/ngày, trẻ > 7 tuổi thì ăn lượng muối như người trưởng thành. Việc giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày là việc làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao nhất để hạn chế các nguy cơ về sức khỏe do thói quen ăn mặn gây ra. 

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang