Ban hành tiêu chuẩn TCVN 13935:2024 về vật liệu và kết cấu xây dựng

author 06:09 11/04/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 199/QĐ-BKHCN công bố tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó, công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13935:2024 Vật liệu và kết cấu xây dựng – Phương pháp thử nghiệm ngâm nước và làm khô để đánh giá kh năng chịu hư hại khi ngập lụt.

TCVN 13935:2024 được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo ASTM E3075-18 (Phương pháp thử nghiệm ngâm nước và làm khô để đánh giá khả năng chịu hư hại khi ngập lụt). TCVN 13935:2024 do Viện Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Về phạm vi áp dụng, tiêu chuẩn TCVN 13935:2024 quy định phương pháp thử ngâm nước và làm khô áp dụng cho vật liệu xây dựng sử dụng trong các công trình xây dựng có khả năng ngập trong nước lũ, bao gồm, nhưng không giới hạn: các loại vật liệu xây dựng và kết cấu xây dựng, kết cấu xây dựng là các phần không thể tách rời khi xây dựng hoàn thiện tòa nhà bao gồm tường, sàn, trần, cầu thang, vách ngăn bên trong, vật liệu hoàn thiện, vật liệu ốp và các hạng mục có kết cấu và kiến trúc kết hợp tương tự;

Các yêu cầu đánh giá các yếu tố gây ra sự hư hại do lũ lụt bao gồm, nhưng không giới hạn: tác động cơ học của các mảnh vỡ, tốc độ lũ, tác động của sóng, chênh lệch áp suất nước, xói mòn, ăn mòn, ô nhiễm hóa học và sinh học trong nước lũ và các yếu tố khác có tác động lâu dài đến sức khỏe con người và độ bền khi tiếp tục sử dụng các kết cấu xây dựng sau lũ lụt; Quy trình thử nghiệm ngâm nước, làm khô và làm sạch trong tiêu chuẩn này đưa ra các điều kiện tiêu chuẩn quy mô phòng thí nghiệm để đánh giá đặc tính của mẫu thử khi ngâm nước, làm khô và làm sạch. Quy trình này không đại diện cho loại nước, thời gian ngâm nước, hoặc điều kiện làm khô trong điều kiện lũ lụt thực tế bởi vì với các trận lũ lụt khác nhau thì các yếu tố như loại nước, chiều sâu và thời gian ngập nước, cũng như nhiệt độ và độ ẩm môi trường là khác nhau. Kết quả thử nghiệm của phương pháp thử này chỉ ra đặc tính kỹ thuật của vật liệu xây dựng khi ngâm nước, làm khô và khả năng làm sạch. Từ kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, có thể dự báo các yêu cầu đặc tính kỹ thuật của vật liệu xây dựng cần có trong điều kiện sử dụng thực tế; Quy trình làm sạch trong tiêu chuẩn này mô phỏng quy trình làm sạch bề mặt thường xảy ra sau lũ lụt và không thay thế các tiêu chuẩn hoặc phương pháp làm sạch bề mặt sau lũ lụt theo khuyến nghị của nhà sản xuất.

Về nguyên tắc và ý nghĩa của phương pháp thử, phương pháp thử này quy định quy trình ngâm nước, làm khô và làm sạch để xác định độ bền khi ngập nước của các loại vật liệu xây dựng đã nêu tại Điều 1.1. Phương pháp thử này được áp dụng để đánh giá đặc tính riêng của từng loại vật liệu xây dựng khi ngâm nước, làm khô và làm sạch; đặc tính của từng loại vật liệu cụ thể khi nằm trong kết cấu xây dựng; và đặc tính của toàn bộ kết cấu xây dựng; Phương pháp thử nghiệm đặt mẫu thử ngâm trong nước và làm khô nhằm mô phỏng các tác động của quá trình làm ướt và khô đến mẫu thử có thể xảy ra khi có lũ lụt. Sau khi ngâm ướt và làm khô, mẫu thử sẽ tiếp tục được làm sạch bề mặt. Phương pháp thử nghiệm này là một biện pháp để đánh giá đặc tính của mẫu thử khi bị ngâm nước, làm khô, làm sạch bề mặt sau lũ lụt; Phương pháp thử nghiệm này xác định tính chất hút nước của các mẫu thử khác nhau theo đơn vị phần trăm độ tăng của khối lượng mẫu thử, tính chất khô sau khoảng thời gian làm khô tới khối lượng cân bằng và sự thay đổi hình thái vật lý của mẫu thử sau khi ngâm nước và làm sạch bề mặt;

Có thể dùng phương pháp thử nghiệm này để so sánh đặc tính hút nước của các mẫu thử khác nhau, đặc tính khô và sự thay đổi hình thái vật lý sau khi ngâm nước và làm sạch bề mặt. Phương pháp thử nghiệm này cũng có thể sử dụng để so sánh kích thước vật lý của mẫu thử tại các thời điểm sau khi ngâm nước, ngay sau khi đưa mẫu thử ra ngoài không tiếp xúc với nước, sau khi làm khô và làm sạch; Các kết quả thử nghiệm có thể được so sánh trực tiếp với nhau, phụ thuộc vào các yếu tố bao gồm kích thước của mẫu thử và cấu tạo của mẫu thử là từng loại vật liệu xây dựng riêng hoặc là kết cấu/tổ hợp các loại vật liệu xây dựng; Khả năng làm sạch bao gồm: khả năng loại bỏ tất cả sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn có thể nhìn thấy trên bề mặt mẫu thử mà không làm ảnh hưởng đến hình dạng ngoại quan và tính năng của mẫu thử.

An Hạ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang