Nga công bố loại bỏ thuốc kháng sinh khỏi danh sách điều trị bệnh đường hô hấp

author 16:13 29/04/2024

(VietQ.vn) - Bộ Y tế Nga vừa thông qua tiêu chuẩn điều trị các bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus mới, trong đó loại bỏ kháng sinh khỏi danh mục các thuốc điều trị.

Theo tiêu chuẩn mới, bệnh nhân mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus không chỉ cần khám bác sỹ chuyên khoa truyền nhiễm, bác sỹ tim mạch, bác sỹ thần kinh, bác sỹ tai mũi họng và bác sỹ đa khoa mà còn cả bác sỹ sản phụ khoa, bác sỹ huyết học và bác sỹ phổi. 

Thuốc kháng sinh và corticosteroid đã bị loại khỏi danh sách các loại thuốc điều trị bệnh nặng. Số lượng các thuốc cũng giảm từ 61 xuống 33. Danh sách này không bao gồm các loại kháng sinh levofloxacin, cefoperazone hoặc gentamicin, nhưng có các loại thuốc kháng virus như kagocel, riamilovir, cũng như ibuprofen và acetaminophen. Thay vào đó, việc đo nồng độ ôxy trong mạch máu được đưa vào danh sách các biện pháp trong điều trị các bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Nga loại bỏ thuốc kháng sinh khỏi danh sách điều trị bệnh viêm đường hô hấp. Ảnh minh họa

Chuyên gia vi sinh học chính của Bộ Y tế giáo sư Roman Kozlov nhấn mạnh rằng tất cả các loại kháng sinh đều vô tác dụng trong điều trị virus, chúng chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sỹ để chống lại các bệnh do vi khuẩn. Hơn nữa, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể gây ra những rủi ro lớn.

Bác sỹ đa khoa, nhà dược học lâm sàng Andrey Kondrakhin cho biết sau khi dùng kháng sinh bệnh nhân có thể bị bội nhiễm, khi bất kỳ bệnh hô hấp do virus nào cũng có thể biến chứng thành viêm phổi.

Theo thống kê, gần một nửa (49,1%) người Nga có dùng kháng sinh trong năm 2023, trong đó có đến 72,5% dùng không đúng cách,  có thể là uống mà không có đơn bác sĩ hoặc là không uống hết thuốc theo đơn. Một cuộc khảo sát chỉ ra 13% số người được hỏi cho biết họ uống kháng sinh khi bị cảm lạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Sức khỏe Duma quốc gia Nga Sergei Leonov nêu rõ việc sử dụng không kiểm soát kháng sinh đã dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều chủng virus kháng thuốc kháng sinh.

Thông tin thêm về việc sử dụng thuốc kháng sinh, Bệnh viện Vinmec cho biết, trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn, thuốc kháng sinh là thuốc không thể thiếu. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh cần được chỉ định với từng bệnh và đúng liều lượng. Cách tính hàm lượng thuốc kháng sinh chính xác nhất là cách tính hàm lượng kháng sinh theo cân nặng của bệnh nhân. Cách tính này đúng cho cả trẻ em và người lớn.

Đường hô hấp trên gồm có toàn bộ cấu trúc đường hô hấp từ thanh quản trở lên phía trên, bao gồm cả tai, xoang, V.A và Amidan. Tác nhân gây viêm đường hô hấp trên thường là các vi khuẩn gram dương như là liên cầu, tụ cầu, phế cầu.

Kháng sinh đôi khi tương tác với các thuốc khác, làm tăng hoặc giảm nồng độ huyết thanh của các thuốc khác bằng cách làm tăng hoặc giảm sự trao đổi chất của chúng hoặc bằng các cơ chế khác. Các tương tác lâm sàng quan trọng nhất liên quan đến thuốc có tỷ lệ điều trị thấp (tức là, mức độ độc hại gần với mức điều trị). Ngoài ra, các thuốc khác có thể làm tăng hoặc giảm lượng kháng sinh.

Nhiều chất kháng sinh có liên quan đến hóa học và do đó được nhóm vào các lớp. Mặc dù các loại thuốc trong mỗi lớp có cùng tính chất cấu trúc và chức năng, nhưng chúng thường có các dược lực học và phổ hoạt động khác nhau.

Do đó chỉ nên sử dụng kháng sinh nếu có bằng chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm cho thấy nhiễm khuẩn. Sử dụng cho bệnh virus hoặc sốt không phân biệt là không phù hợp trong hầu hết các trường hợp bởi nó gây ra tác dụng phụ của thuốc mà không mang lại lợi ích gì và góp phần làm vi khuẩn kháng thuốc. 

Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề và biến đổi khí hậu bất thường khiến cho các bệnh lý hô hấp có chiều hướng gia tăng nhanh. Ngày càng có nhiều loại virus có khả năng gây nhiễm trùng đường hô hấp, với độc lực cao như virus cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, Corona virus... Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong một thời gian dài làm gia tăng tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và khiến cho nhiễm khuẩn hô hấp ngày càng phức tạp. Một lý do nữa cũng ảnh hưởng đến nhiễm trùng hô hấp là những quan niệm và hành vi sai lầm trong điều trị nhiễm trùng hô hấp.

Việc chỉ định kháng sinh trong nhiễm khuẩn hô hấp cần được chỉ định bởi các bác sỹ, dùng loại kháng sinh nào, liều lượng và thời gian dùng tùy thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng, trước khi kê đơn cho người bệnh. Trong khi đó, sai lầm đầu tiên là khi bị bệnh, người bệnh không đến khám bác sĩ ngay mà tự ý dùng thuốc bằng cách bắt chước đơn thuốc điều trị nhiễm khuẩn hô hấp của người khác, dựa vào kinh nghiệm lần bị nhiễm khuẩn hô hấp trước, đơn thuốc cũ của bản thân, dựa vào tư vấn không chuyên của hiệu thuốc hoặc chỉ gọi điện kể triệu chứng cho bác sĩ để xin đơn thuốc. Chính điều này khiến bệnh nặng hơn, khi đến viện khám thì đã ở giai đoạn muộn, có biến chứng, làm cho điều trị khó khăn và nhiều trường hợp nguy hại đến tính mạng. Bên cạnh đó, còn tăng nguy cơ dị ứng thuốc, sốc phản vệ có thể tử vong ngay khi dùng thuốc kháng sinh bừa bãi.

Vì vậy tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc kháng vi rút. Đối với những người trên 65 tuổi, những người suy giảm miễn dịch, những người hay bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tái diễn nhiều lần, những người mắc bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang