Biến chứng nguy hiểm sau khi sử dụng thuốc chữa vảy nến mua trên mạng

author 05:59 27/10/2023

(VietQ.vn) - Gần đây trên các trang mạng xã hội quảng cáo nhiều loại thuốc bôi, thuốc uống có thể điều trị được bệnh vảy nến do đó, không ít trường hợp bệnh nhân bị biến chứng ngày càng nặng hơn khi tin và sử dụng các loại thuốc rao bán trên mạng.

Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp sử dụng các sản phẩm thuốc bôi, thuốc uống mua trên mạng xã hội, dẫn tới vảy nến bùng phát gây đỏ da toàn thân. Trường hợp điển hình là nam bệnh nhân, 18 tuổi, bị vảy nến khoảng 1 năm nay. Cách thời điểm nhập viện hơn 1 tháng, bệnh nhân thấy trên mạng quảng cáo một loại viên uống và kem bôi điều trị khỏi hẳn bệnh vảy nến. Bệnh nhân đặt mua liệu trình 3 hộp với giá 600.000 đồng. Sau khi sử dụng hết liệu trình đầu tiên, tình trạng vảy nến cải thiện rõ rệt nhưng khi ngưng uống 5 ngày thì da đỏ tróc vảy tăng dần và lan ra toàn thân kèm ngứa, da căng, đau nhức, mệt mỏi, sốt kèm ớn lạnh… 

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam, 49 tuổi, bị vảy nến 18 năm nhưng khám và điều trị không liên tục. Cách đây 2 năm, bệnh nhân có lên Youtube xem và biết thông tin "thầy H." chuyên điều trị vảy nến nên gọi hẹn khám, điều trị. Trong vòng 2 năm, bệnh nhân được "thầy H." cho thoa và uống thuốc không rõ loại. "Thời gian đầu, sang thương da giảm đỏ, giảm vảy nhiều. Tuy nhiên, thấy da mỏng hơn, mặt và bụng cũng phù lớn hơn. Khi ngưng uống và thoa thuốc thì da đỏ và tróc vảy nặng lên dần và lan ra toàn thân nên đi khám" – bệnh nhân chia sẻ. 

Nếu điều trị bệnh vảy nến không đúng cách sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi hoặc suy tim… từ đó có thể dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa

Bệnh vảy nến xảy ra khi các tế bào da được thay thế nhanh hơn bình thường. Thông thường, các tế bào da được tạo ra và thay thế sau mỗi 3 – 4 tuần nhưng quá trình này chỉ mất khoảng 3 – 7 ngày ở bệnh nhân vảy nến.  Từ đó khiến cơ thể người bệnh gia tăng sản xuất tế bào da, dẫn đến sự tích tụ các tế bào da tạo ra các mảng các mảng bong tróc, sần sùi phủ đầy vảy. Các nhà khoa học ghi nhận người bị bệnh vảy nến gặp rối loạn về hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch là cơ chế phòng vệ của cơ thể giúp chống lại bệnh tật và nhiễm trùng nhưng lại tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh ở người bị bệnh vảy nến.

Bệnh vảy nến có thể di truyền trong gia đình. Khoảng 1/3  người mắc bệnh vảy nến báo cáo có tiền sử gia đình mắc bệnh. Các nghiên cứu về cặp song sinh giống hệt nhau cho thấy 70% khả năng một cặp song sinh mắc bệnh nếu người kia mắc chứng rối loạn này; tỷ lệ này chiếm 20% ở cặp song sinh không giống hệt nhau. Những phát hiện này cho thấy cả tính nhạy cảm di truyền và phản ứng môi trường trong việc phát triển bệnh vẩy nến. Ngoài ra, các tác nhân khác như chấn thương da, nhiễm trùng cổ họng và sử dụng một số loại thuốc cũng gây ra bệnh.

BS CK2 Nguyễn Vũ Hoàng, Trưởng khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, 2 bệnh nhân trên bị đỏ da toàn thân vảy nến. Đây là tình trạng vảy nến nặng nề nhất, thường do bệnh nhân không điều trị gì hay điều trị không đúng cách khiến da bị vảy nến tổn thương và lan rộng thành đỏ da toàn thân. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi hoặc suy tim… từ đó có thể dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, hiện nay, y học có nhiều phương pháp điều trị vảy nến, tuy nhiên vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn bệnh. Từ đó, bác sĩ Hoàng lưu ý, để điều trị vảy nến, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc, nhất là các thuốc không rõ nguồn gốc vì sẽ khiến cho vảy nến nặng lên và có thể tiến triển thành đỏ da toàn thân vảy nến.

Vảy nến là bệnh lý mạn tính. Trên thế giới, người ta ước tính có khoảng 125 triệu người mắc bệnh vảy nến. Cho đến nay, vẫn chưa hiểu rõ ràng về cơ chế bệnh sinh của vảy nến. Tuy nhiên, bệnh này có yếu tố di truyền khá rõ. Bệnh thường gặp nhất ở độ tuổi 15 - 35 tuổi với biểu hiện khá đa dạng, từ vảy nến thể mảng, vảy nến giọt, vảy nến khớp… đến các thể bệnh nặng như vảy nến mủ toàn thân và đỏ da toàn thân vảy nến. "Bệnh ảnh hưởng rất nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình. Mặc dù các sang thương da của vảy nến nhìn có vẻ ghê sợ nhưng bệnh lý này hoàn toàn không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp. Do vậy, chúng ta không nên kỳ thị hay xa lánh bệnh nhân vảy nến", bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Cách phòng ngừa bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến hiện vẫn là một bệnh mạn tính, cần uống thuốc lâu dài. vảy nến đi theo người bệnh suốt đời. Thế nhưng do da nổi vảy nên người bệnh thường tự ti, mặc cảm, nhiều người bỏ cuộc không điều trị làm bệnh bộc phát nặng, gây ra các biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống. Đối với gười chưa mắc bệnh có thể cần tăng cường sức đề kháng, hạn chế các bệnh nhiễm trùng, chấn thương… để tránh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Ngoài ra, người thuộc nhóm nguy cơ cao như gia đình có người bệnh cần tầm soát, phát hiện sớm để điều trị sớm, tránh bệnh nặng hơn.

Với người đã bị bệnh, không hoang mang hay lo lắng và cần trao đổi với bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da để được chia sẻ về các liệu pháp điều trị và cách ngăn biến chứng, bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng. Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh ánh nắng mặt trời, vệ sinh da sạch sẽ, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, hạn chế ăn thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ, tăng cường bổ sung thức ăn chứa acid folic và omega 3 từ cá thu, cá hồi…

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang