‘Indonesia đang đùa với lửa ở Biển Đông’

author 06:47 20/12/2014

(VietQ.vn) - “Jakarta sẽ cảm thấy thế nào nếu các nước khác trả đũa và đốt cháy tàu cá Indonesia trên Biển Đông như những gì nước này đã làm với Việt Nam?”, chuyên gia đặt giả thiết.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Australia bình luận, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang đùa với lửa trên Biển Đông. Ông Widodo có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ song phương giữa Indonesia với các nước láng giềng ASEAN khi cho phép đánh chìm các tàu cá nước ngoài bị Jakarta bắt giữ vì (họ cho là) đánh bắt trái phép trên vùng biển quốc gia này.

Tổng thống Indonesia áp dụng ‘liệu pháp gây sốc’ với tàu láng giềng trên Biển Đông

Tổng thống Indonesia áp dụng ‘liệu pháp gây sốc’ với tàu láng giềng trên Biển Đông. Ảnh Giáo Dục

Cụ thể, vào ngày 5/12 tân Tổng thống Indonesia ra lệnh đốt cháy và đánh chìm 3 tàu cá Việt Nam (bị Jakarta cho là) đánh bắt trái phép trong vùng biển gần quần đảo Anambas. Sự cố này đã được các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi. Ngày hôm sau Jakarta chính thức công bố chính sách mới của mình và gọi nó là "liệu pháp sốc cho những kẻ đánh bắt bất hợp pháp".

Tổng thống Indonesia cũng lưu ý rằng, Việt Nam không phải là trường hợp đặc biệt. Ông tuyên bố, tàu cá của bất kỳ quốc gia nào khi đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển nước ông đều bị xử lý như nhau, mà theo một đạo luật năm 2009 chính quyền Indonesia có thể đánh chìm tàu cá đánh trộm mà không có giấy phép.

Bộ trưởng Bộ Hàng hải và thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti tiết lộ, một tuần trước khi đánh chìm 3 tàu cá Việt Nam, bà đã cảnh báo Đại sứ các nước Malaysia, Philippines và Thái Lan, nhưng không thấy đề cập đến Việt Nam về việc Jakarta sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn và quy định cụ thể hình phạt đối với hoạt động đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia.

Có thể nói, "liệu pháp sốc" của Joko Widodo đang đặt ra câu hỏi về ứng xử với "đồng minh chính trị và ngoại giao lâu năm của Indonesia, đó là Việt Nam", giáo sư Carl Thayer bình luận. Giáo sư Carl Thayer lưu ý, trong năm qua chưa có con số nào về các tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển nhạy cảm xung quanh đảo Natuna được công bố.

Indonesia đốt cháy 3 tàu cá Việt Nam bị cho là khai thác trái phép trên Biển Đông

Indonesia đốt cháy 3 tàu cá Việt Nam bị cho là khai thác trái phép trên Biển Đông. Ảnh minh họa

Điều đáng nói là trong 2 tuần kể từ khi Joko Widodo công bố chính sách "liệu pháp sốc", không có người phát ngôn nào của Indonesia dám mạo hiểm bình luận về số phận 22 tàu Trung Quốc bị nước này bắt giữ vì đánh bắt trái phép ở vùng biển Arafura.

"Liệu pháp sốc" của Joko Widodo cũng đặt ra câu hỏi về chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi đang điều khiển chính sách. Giới quan sát quốc tế nhận định, những phiền toái từ sự việc Indonesia đánh chìm 3 tàu cá Việt Nam là một kiểu phô trương thanh thế có vẻ khắc nghiệt, vượt qua giới hạn và đi ngược lại tinh thần đối thoại của ASEAN.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông, mới đây tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) cho thời hạn đến ngày 15/3/2015 để Philippines cung cấp những luận chứng phản bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đồng thời, PCA cũng cho thời hạn đến ngày 16/6/2015 để Trung Quốc trả lời những luận chứng này. Theo thông cáo báo chí của PCA cùng ngày khẳng định cơ quan này đã mời Philippines xử lý những gì mà nước này thấy thích đáng trong bất kỳ tuyên bố liên quan đến việc tranh chấp ở biển Đông mà Bắc Kinh đã công khai đưa ra.

Các luật gia hàng đầu trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc

Các luật gia hàng đầu trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Ảnh PCA website

PCA nhắc đến tài liệu chi tiết lập trường của Bắc Kinh trong việc phản đối vụ kiện. Trong tài liệu Trung Quốc phản ứng PCA không có quyền tài phán hoặc quyền quyết định vụ tranh chấp này.

Bắc Kinh cho rằng tranh chấp chủ quyền ở biển Đông vượt quá phạm vi của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và đưa ra tài liệu trên một tuần trước thời hạn chót (15/12) PCA đưa ra để Bắc Kinh trả lời hồ sơ kiện dày 4.000 trang mà Manila đệ trình hồi tháng 3/2014.

PCA nhấn mạnh Philippines sẽ có cơ hội phản ứng những tranh cãi của Trung Quốc về quyền tài phán thông qua văn bản. Cơ quan này cũng đang yêu cầu Philippines và Trung Quốc trả lời hồ sơ do Việt Nam đệ trình.

PCA sẽ quyết định các bước tiếp theo của vụ kiện này, kể cả nhu cầu gia hạn thời gian cho việc đệ trình thêm luận chứng bằng văn bản và điều trần về vụ kiện, sau khi bàn bạc với cả Philippines và Trung Quốc.

Minh Thùy (tổng hợp từ Giáo Dục, Tuổi Trẻ)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang