Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đến năm 2030

author 06:07 02/08/2023

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đến năm 2030 với tổng công suất 2.600 MW. Việc mở rộng đối tượng sẽ được nghiên cứu sau.

Tại Việt Nam trong những năm qua, Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp cũng đã ý thức việc thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế năng lượng hóa thạch và chuyển dần sang việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, khi Chính phủ có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg năm 2017 và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg năm 2020, đây là cú hích rất lớn để tạo đà cho việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Mới đây các bộ, ngành khi góp ý đều muốn mở rộng phạm vi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không chỉ trên mái nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp mà cho các công trình khác như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn. Các bộ cũng đề nghị làm rõ khái niệm nhà ở trong khu vực nông thôn và bổ sung hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển... được hưởng chính sách hỗ trợ lần này.

Phản hồi những góp ý này, Bộ Công Thương dẫn chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, cho hay cơ chế lần này chỉ áp dụng với điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở. Việc mở rộng đối tượng sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này.

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Ảnh minh họa

Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Quy hoạch này cũng đề cập cần có phương án ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân, mái công trình xây dựng, nhất là khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc, và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Công suất điện mặt trời phát triển đến 2030 là 12.836 MW, trong đó nguồn tập trung 10.236 MW, còn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.

Như vậy, theo Quy hoạch điện VIII, đến 2030 công suất điện mặt trời mái nhà (không phân biệt loại hình) và điện mặt trời tự sản, tự tiêu tăng thêm khoảng 2.600 MW. "Với quy mô này thì không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt điện mặt trời mái nhà", Bộ Công Thương nhận xét.

Bởi, chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước, mỗi gia đình lắp đặt 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về cơ cấu nguồn điện mặt trời mái nhà như tại Quy hoạch điện VIII. Đó là chưa kể đến nguồn điện mặt trời mái nhà của các cơ quan công sở, điện mặt trời tự sản tự tiêu tại TP HCM phát triển theo cơ chế đặc thù thí điểm cho thành phố.

Vì thế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đến năm 2030 với tổng công suất 2.600 MW. Loại nguồn này sẽ được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện) nhưng không phát lên lưới quốc gia, và không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Điều này xuất phát từ thực tế về vận hành, là trường hợp điện mặt trời không đấu nối với lưới điện quốc gia thì các chủ đầu tư tự cân đối nguồn - tải tại chỗ. Họ sẽ phải lắp thêm lưu trữ điện, làm tăng chi phí đầu tư.

Bộ này cũng đề nghị Thủ tướng một số cơ chế khuyến khích đến hết năm 2030, như điện mặt trời mái nhà liên kết với hệ thống điện đã được đấu nối sẽ không phải thỏa thuận đấu nối với ngành điện.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn lắp điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu thì phải đăng ký với UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được giao về quản lý phát triển loại nguồn điện này. Họ sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, phí; ưu tiên bố trí ngân sách để phát triển loại nguồn điện này tại công sở.

Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, công trình xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Qua đó, Bộ Công Thương kiến nghị cho phép điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu, tự sử dụng được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện) nhưng không phát điện lên lưới điện quốc gia; tổng công suất phát triển đến năm 2030 là 2.600MW; cơ chế ban hành theo hình thức là quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam hiện đã có 88 dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 6.000 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia. Điện mặt trời chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện cả nước, lớn hơn nhiều so với quy mô dự kiến theo quy hoạch điện điều chỉnh cho năm 2020 là 850MW và năm 2025 là 4.000MW.

Theo thống kê, có 41 dự án điện mặt trời (6.053 MW) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch, nhưng chưa đi vào vận hành và 7 dự án điện mặt trời (196 MW) được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch nhưng chưa đi vào vận hành. Trong số này, có khoảng 545,87 MW đã hoàn thành thi công; khoảng 1.925,8 MW đã có chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành, còn lại chưa có chấp thuận nhà đầu tư.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang