Cảnh giác với hành vi gian lận mã số vùng, mã số đóng gói vải thiều Bắc Giang

author 06:23 22/06/2023

(VietQ.vn) - Vải thiều Bắc Giang nổi tiếng từ rất lâu tuy nhiên hiện nay xuất hiện tình trạng một số địa phương sử dụng mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói không đúng quy định, không phải vải thiều của Lục Ngạn (Bắc Giang).

Xuất hiện trường hợp trộn vải thiều vùng khác với vải Lục Ngạn và sử dụng mã số vùng trồng để bán hàng

Theo lãnh đạo huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, năm 2023, diện tích vải thiều của huyện là 17.357 ha, tăng 1.607 ha so với năm 2022. Sản lượng ước vải thiều năm nay ước đạt khoảng 98.000 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 25.000 tấn, vải chính vụ khoảng 73.000 tấn); thời gian thu hoạch dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 6/2023 đến cuối tháng 7/2023.

Để bảo đảm hoạt động sản xuất, chế biến vải thiều chất lượng đạt tiêu chuẩn của nhiều phân khúc thị trường. Huyện đã quản lý chặt chẽ 84 mã số vùng trồng gồm: Trung Quốc 35 mã, thị trường Mỹ, Úc, EU 15 mã, Nhật Bản 32 mã, Thái Lan 2 mã trên địa bàn các xã, thị trấn. Đồng thời tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các yêu cầu, tiêu chuẩn về quy cách thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm trước khi bán như: xử lý sạch lá, cắt cuống ngắn, loại bỏ quả không đạt chất lượng, bó túm đúng trọng lượng…

Tuy nhiên mới đây ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết, xuất hiện một số trường hợp trộn vải vùng khác với vải Lục Ngạn và sử dụng mã số vùng trồng của Lục Ngạn để bán hàng. 

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng, một số địa phương sử dụng mã số vùng trồng cũng như mã số đóng gói không đúng quy định, không phải của Lục Ngạn để xuất khẩu hoặc mang tiêu thụ tại thị trường khác.

Do vậy, huyện đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các hộ dân, tiểu thương, thậm chí đề nghị thu hồi mã số. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con hiểu, cam kết giữ thương hiệu, uy tín của vải Lục Ngạn vì nếu không giữ được mã số, thương hiệu thì thiệt hại rất lớn.

Về biện pháp xử lý, ông Thi cho biết "không những bằng xử phạt hành chính mà phải xử lý hình sự". Đồng thời, cần có quy định nghiêm ngặt hơn như thu hồi, cắt các mã số vùng trồng.

Cảnh giác với hành vi gian lận mã số vùng, mã số đóng gói vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang để bán. Ảnh minh họa 

Cùng trao đổi về vấn đề này, Trung tá Trịnh Quang Hưng - Đồn trưởng Đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn cho biết, vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm song vẫn xảy ra trường hợp có xe hàng bị trả lại.

Cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra rất kỹ từ lạt buộc, thùng xốp cho tới từng quả vải, đảm bảo không có sâu. Nếu phía Trung Quốc kiểm tra xác suất, phát hiện chất lượng không đều thì sẽ mất niềm tin, trả lại hàng. Vì vậy, quy trình đóng gói vải thiều xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn và thực hiện ngay tại tỉnh Bắc Giang.

Đặc biệt, để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, các tổ cũng đã tuyên truyền người dân khi bó vải phải được xử lý hoàn toàn sạch lá, cắt cuống các bó vải với chiều dài cuống không quá 10 cm. Các tổ công tác sẽ hoạt động liên tục từ ngày 6.6 đến hết ngày 31.7.2023, khi hết vụ vải thiều.

Cùng đó, các cơ quan chức năng sẽ quản lý chặt chẽ 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu của các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các thương nhân; chống các hành vi gian lận thương mại, hạn chế tối đa tình trạng tăng giá đột biến đối với các mặt hàng phụ trợ; chủ động nắm bắt thông tin diễn biến của thị trường giúp nhân dân chủ động chế biến và tiêu thụ.

Cần quản lý chặt vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, trên toàn quốc có 6.439 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Bao gồm 25 sản phẩm như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang, tập trung xuất khẩu đi 11 thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia và Singapore.

Thực tế công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu trong những năm qua cho thấy, mặc dù các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt rào cản kỹ thuật, buộc Việt Nam phải tuân thủ. Song nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát các vùng nhằm đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với việc xuất khẩu sản phẩm trồng trọt của Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị dừng xuất khẩu toàn ngành hàng.

Chính vì vậy, để đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu xuất khẩu, tất cả các bên liên quan trong chuỗi cần hiểu rõ quy định và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết; và quản lý chặt chẽ hơn nữa vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói. Với mục đích này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản hướng dẫn số 1776/BNN-BVTV để phân cấp rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bên.

Việc thực hiện Văn bản 1776/BNN-BVTV sẽ giúp tăng tính minh bạch, trách nhiệm của các bên, giảm thiểu các hành vi không tuân thủ về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, phòng chống hành vi gian lận thương mại và tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Do đó, việc quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói không chỉ để đáp ứng yêu cầu đảm bảo tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc của nông sản xuất khẩu mà còn giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm, qua đó nâng cao giá trị hàng hoá nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang