Chuyện ‘bông hồng’ đam mê nghề tiêu chuẩn

author 06:35 25/01/2023

(VietQ.vn) - Đằng sau thành công của mỗi tiêu chuẩn, luôn luôn có bóng dáng của những chuyên gia đang ngày đêm nghiên cứu, miệt mài với công việc chuyên môn của mình như những “chú ong” yêu nghề dựng xây một xã hội phát triển hơn.

Bất ngờ bén duyên với nghề  

Ngày nay, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã và đang tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Hệ thống này cũng ngày càng được hoàn thiện, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi từng ngày của cuộc sống.

Theo số liệu từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành của Việt Nam có hơn 13.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hơn 60%. Việc xây dựng, công bố các TCVN giúp doanh nghiệp có chiến lược sản xuất và kinh doanh hợp lý; kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy doanh nghiệp công bố hợp chuẩn cho các sản phẩm hàng hóa, thông qua đó ngày càng có nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao và ổn định góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều lĩnh vực.

Hệ thống TCVN, QCVN đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, việc đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính thuận lợi, không bị cản trở bởi các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu đồng thời khẳng định trình độ chất lượng để cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế.

Chị Đoàn Thị Thanh Vân, người đó có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu chuẩn 

Đối với người tiêu dùng, với hệ thống hơn 13.000 TCVN và trên 800 QCVN bao trùm hầu như tất cả khía cạnh của cuộc sống như tiêu chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hàng ngày giúp người tiêu dùng đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo đà cho sự phát triển bền vững mọi lĩnh vực của một quốc gia. 

Không thể phủ nhận, sự ra đời của các tiêu chuẩn, bộ tiêu chuẩn đã có đóng góp lớn đến sự phát triển của nền kinh tế-xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, đằng sau mỗi tiêu chuẩn được công bố là hành trình vô cùng gian nan, vất vả của cả một hệ thống nói chung, những chuyên gia về tiêu chuẩn nói riêng.

Một ngày cuối năm 2022, chúng tôi đã có cơ duyện gặp được chị Đoàn Thị Thanh Vân, hiện đang là Trưởng phòng Tiêu chuẩn Điện, Điện tử, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam. Đây cũng là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn về điện, điện tử.

Đón chúng tôi bằng một nụ cười niềm nở, chị bắt đầu kể về những năm tháng đầu tiên “chập chững” bước vào nghề. Tốt nghiệp đại học và cao học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1999, chị Vân sau đó đã nộp hồ sơ vào Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (thời điểm đó là Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

“Đúng là nghề chọn người, mọi thứ đến với chị như có một sự sắp đặt trước, cứ thế đến với mình dù trước đó mình chưa biết nhiều về cơ quan mình đang làm. Càng may mắn hơn, công việc này rất phù hợp với tính cách và chuyên môn của chị”, chị Vân hào hứng nói.

Nói về những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Vân cho biết bản thân chưa từng nghĩ tới việc mình sẽ trở thành một chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn. Thế nhưng, ẩn sâu bên trong một người phụ nữ hiền dịu ấy là một trái tim đam mê chuyên ngành kỹ thuật. Thậm chí, chính bố mẹ ruột của chị cũng tỏ ra vô cùng vui sướng khi cô con gái quyết tâm thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, theo chuyên ngành về kỹ thuật – một chuyên ngành mà nghe danh thôi nhiều người vẫn mặc định cho rằng chỉ dành cho nam giới. 

Chị kể rằng mặc dù gia đình không có ai theo ngành tiêu chuẩn, thế nhưng, riêng về lĩnh vực điện, điện tử mà chị đang phụ trách, bên cạnh chị vẫn có một vị trợ lý “đặc biệt” - đó chính là ông xã. Do cùng nghiên cứu về lĩnh vực điện, thế nên, mỗi khi có kiến thức học thuật mới hay những khía cạnh chuyên môn cần trao đổi, hai vợ chồng đều ngồi lại cùng chia sẻ, cùng tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. 

Biến trở ngại thành động lực phát triển 

Cũng giống như các chuyên gia khác, chị Vân cũng đã từng trải qua cả một quá trình dài để trau dồi chuyên môn, kiến thức với những khó khăn không thể kể xiết từ thuở mới vào nghề. Bởi lẽ, đáng ra công việc thiên về nghiên cứu, đậm chất kỹ thuật thường do các đồng nghiệp nam đảm nhận nhưng bằng nhiệt huyết, đam mê với công việc giúp một người phụ nữ như chị gắn bó lâu dài với nghề và tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm nghề, dần khẳng định mình. 

“Trong cái khó, ló cái khôn”, những thứ tưởng chừng như sẽ trở thành trở ngại hoá ra lại tạo thành những may mắn bất ngờ đối với chị. Chính sự nhẹ nhàng, mềm dẻo và tinh tế của phụ nữ giúp chị dễ dàng hơn trong việc đạt được đồng thuận giữa các thành viên trong các cuộc thảo luận, trao đổi công việc chuyên môn.

Kể về công việc cụ thể đang làm, chị Vân cho biết công việc thường ngày của chị rất bận, ngoài việc nghiên cứu chuyên môn, chị còn đảm nhiệm vai trò quản lý đơn vị cấp phòng. Tuy nhiên, khi có thời gian, chị lại nghiên cứu sâu về chuyên môn của mình cũng như các lĩnh vực mới để từ đó mở rộng sự hiểu biết và tích lũy cho mình nhiều kiến thức. Chính vì vậy, chị gần như không có thời gian rảnh rỗi.

Trong những năm gần đây, tiêu chuẩn ngày càng được chú trọng. Nhu cầu xây dựng tiêu chuẩn cũng được đẩy lên nhiều hơn. Trung bình mỗi năm phòng chị xây dựng khoảng 30-40 tiêu chuẩn.

Mặc dù phải gánh vác khối lượng công việc nhiều, mặc dù bị áp lực và mệt mỏi khi có quá nhiều việc phải giải quyết, nhất là cuối năm. Tuy nhiên, đối với chị Vân, niềm đam mê công việc quá lớn khiến chị chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ chuyển cơ quan hay làm một công việc khác. “Thực sự chị chưa lúc nào nghĩ sẽ chuyển công tác một phần vì thấy công việc này phù hợp với mình, một phần vì cũng gắn bó với các đồng nghiệp rất nhiều năm, mọi người đều rất tình cảm và quan tâm lẫn nhau”, chị Vân cười nói. 

Và cho dù công việc bận rộn, chị vẫn chu toàn với việc chăm sóc gia đình. Chị chia sẻ: “Chị luôn chú trọng rèn các cháu lối sống chủ động, ngoài thời gian dành cho việc học, các cháu đều phải làm việc nhà. Do vậy, chị chỉ cần theo dõi nhắc nhở các con mà không bị mất quá nhiều thời gian chăm sóc gia đình”. 

“Thần tốc đạt thành công” 

Nhớ lại thời điểm tháng 7 năm 2021, chị Vân không thể nào quên được những ngày tháng mà tâm trạng như “ngồi trên đống lửa”. Vào thời điểm đó, chị nhận nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng TCVN cho Camera giám sát hành trình và phải thực hiện xong trước ngày 31/10/2021.

Đây là một tiêu chuẩn quan trọng giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu Camera giám sát hành trình và các cơ quan quản lý có cơ sở để thử nghiệm, chứng nhận đáp ứng các yêu cầu quy định trong QCVN 31:2014/BGTVT, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.

Chị Vân bộc bạch: “Thông thường thời gian để nghiên cứu xây dựng 1 TCVN là 12 tháng. Lần đó chị chỉ có vỏn vẹn 4 tháng để thực hiện. Thực sự khi nhận nhiệm vụ này cũng rất lo lắng, vì đây là một tiêu chuẩn tự xây dựng cho một sản phẩm công nghệ tiên tiến, phạm vi áp dụng rộng khắp toàn quốc, chị đã phải tìm kiếm và đọc rất nhiều các tài liệu liên quan cả về kỹ thuật và văn bản quản lý.

May mắn chị có sự hỗ trợ nghiên cứu của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh camera, của lãnh đạo Viện và các đồng nghiệp trong phòng, chị đã hoàn thành đúng tiến độ. TCVN sau khi được bộ KHCN công bố thành tiêu chuẩn quốc gia đã được cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội đón nhận và tạo thuận lợi cho họ rất nhiều trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”.

Chia sẻ thêm đánh giá về mức độ tiếp cận của doanh nghiệp đối với quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, chị Vân cho rằng mặc dù trong một số năm gần đây, doanh nghiệp đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, có một số doanh nghiệp đã đồng hành với Viện ngay từ giai đoạn nghiên cứu xây dựng dự thảo đầu tiên, tuy nhiên, số lượng còn ít so với nhu cầu thực tế, bởi vẫn còn nhiều nơi chưa thật sự hiểu hết được tầm quan trọng của việc áp dụng tiêu chuẩn vào sản phẩm. Áp dụng tiêu chuẩn không chỉ đảm bảo chất lượng cho sản phẩm đầu ra, mà còn gây dựng được uy tín cho doanh nghiệp, lòng tin của người tiêu dùng.

Chị Vân cũng nhận định, để tiêu chuẩn thực sự đi vào cuộc sống, cần hơn nữa sự quan tâm và chung tay của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia. Trong tương lai, chị cũng kỳ vọng, sẽ có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động xây dựng tiêu chuẩn.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang