Chuyên gia dinh dưỡng lưu ý cách nêm gia vị đúng tiêu chuẩn cho trẻ

authorNgọc Nga 14:34 25/04/2022

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đồ ăn của bé cần được nêm gia vị theo tiêu chuẩn nhất định do vị giác của bé hoàn toàn khác cha mẹ.

Trên 8 tháng tuổi, bé đã quen với việc ăn dặm và bắt đầu “thèm” những món ăn nêm gia vị đậm đà. Tuy nhiên, mẹ không nên tùy ý thêm gia vị vào khẩu phần ăn của bé theo khẩu vị của mình. Bởi theo các chuyên gia dinh dưỡng, đồ ăn của bé cần được nêm gia vị theo chuẩn nhất định.

Sự thật về vị giác của trẻ nhỏ

 Vị giác của trẻ em nhạy cảm hơn người lớn nhiều lần. Ảnh minh họa

Vị giác của bé hoàn toàn khác cha mẹ, vị giác bé nhạy cảm rất nhiều lần so với người lớn (do gai vị giác nhiều hơn so với người lớn), do đó chỉ cần 1 chút mặn hay ngọt là làm rối loạn vị giác của bé. Thực tế vị giác bé dưới 1 tuổi là không ổn định. Đó cũng là 1 trong những lí do, các chuyên gia khuyên không nên dùng gia vị cho trẻ dưới 1 tuổi, để vị giác các bé không bị mất ổn định.

Bé không biết ngon hay dở, không biết mặn hay ngọt. Tuy nhiên, vị ngọt có tần số tác động lên vị giác của bé lớn hơn các vị khác, do đó nếu cho bé ăn ngọt sớm sẽ dễ làm rối loạn vị giác khác, làm bé biếng ăn. Ví dụ cho bé ăn trái cây (trừ bơ chuối) hoặc nước ép quá sớm có thể làm bé rối loạn vị giác.

Lưu ý khi làm giả muối khi nấu ăn cho trẻ

Nhiều khi ba mẹ không biết đã lỡ nêm mắm muối vào thức ăn của trẻ dưới 12 tháng tuổi, khiến trẻ bị phụ thuộc vào vị mặn của muối – đây là hiện tượng rối loạn vị giác, nếu không nêm muối vào đồ ăn, trẻ sẽ không chịu ăn. Như vậy, các mẹ nên làm giả muối cho bé. Do hàm lượng natri trong thực vật thấp và ở dạng hữu cơ nên thực vật giả làm muối có thể giúp cân bằng vị giác cho các bé.

Tuy nhiên, nếu bé nào mà cha mẹ chưa nêm gia vị cho bé dưới 1 tuổi thì không khuyên dùng giả muối từ thực vật vì có thể cha mẹ sẽ vô tình khiến bữa ăn của con dư thừa hàm lượng dinh dưỡng không cần thiết khác (như dư thừa Iodine khi giả muối bằng tảo biển hoặc rong biển).

Lượng gia vị tối đa cho vào thức ăn dặm của bé 1 ngày theo độ tuổi

 Lượng gia vị cho một ngày theo độ tuổi của trẻ. Ảnh minh họa

Quy ước: Muỗng cafe dùng trong ước lượng có kích thước như sau: dài 4cm và rộng 3cm.

Bé dưới 1 tuổi

Muối, đường, bột nêm: Không dùng.

Nước mắm/nước tương (dù là loại trẻ em): Không dùng.

Giả muối từ thực vật: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày (dạng bột như hướng dẫn ở trên).

Tiêu: Lượng bằng phần đầu của muỗng/ngày (chỉ dùng cho bé trên 10 tháng).

Hành/tỏi: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày (chỉ dùng cho bé trên 10 tháng).

Rau thơm các loại: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày.

Dầu ăn: 1-2 muỗng cafe/ngày. 1 tuần không quá 4 ngày.

Mật ong: Không dùng.

Bé từ 1-3 tuổi

Muối, đường, bột nêm: 1/2 muỗng cafe/ngày.

Nước mắm/nước tương (dùng loại người lớn hay trẻ em đều được, nước mắm không dùng loại đạm cao): 1 muỗng cafe/ngày.

Giả muối từ thực vật: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày.

Tiêu: Lượng bằng phần đầu của muỗng/ngày -xem hình đính kèm.

Ớt: Lượng bằng phần đầu của muỗng/ngày.

Hành/tỏi: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày.

Rau thơm các loại: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày.

Dầu ăn: 1-2 muỗng cafe/ngày. Tuần không quá 4 ngày.

Mật ong: Lượng bằng 1 muỗng cafe/ngày.

Bé trên 3 tuổi

Có thể ăn đa dạng gia vị theo khẩu vị của gia đình. Nhưng tốt nhất vẫn nên hạn chế đường, muối, nước mắm trong chế biến món ăn để giảm nguy cơ các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường và ung thư bao tử khi bé trưởng thành.

Thu Phương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang