Vì sao Công ty CP Nước giải khát Chương Dương bị phạt 70 triệu đồng?

author 11:33 29/04/2022

(VietQ.vn) - Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương vừa bị xử phạt với số tiền 70 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

Mới đây, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 93/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (Địa chỉ trụ sở chính: 606 Võ Văn Kiệt, Phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam).

Công ty Nước giải khát Chương Dương vi phạm về công bố thông tin

 

Cụ thể, Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (Công ty) chưa công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của UBCKNN (IDS) các tài liệu sau: Báo cáo thường niên năm 2020, Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) số 10/NQ-HĐQT ngày 20/7/2020 về chốt danh sách trả cổ tức, Thông báo ký hợp đồng với đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2018, 2019, 2020, Báo cáo quản trị công ty 06 tháng đầu năm 2020, Báo cáo quản trị công ty năm 2020, Biên bản và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020, Nghị quyết HĐQT về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, Báo cáo thường niên năm 2019, Thông báo quyết định của Cục thuế TP.HCM về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả năm 2012-2013, Quyết định của HĐQT về việc thành lập chi nhánh Nhơn Trạch, Báo cáo quản trị công ty 06 tháng đầu năm 2019, Biên bản họp Ban kiểm soát ngày 03/5/2019 về việc bầu trưởng Ban kiểm soát, Nghị quyết và Quyết định của HĐQT về việc thôi chức vụ, bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc ngày 10/01/2019, Nghị quyết HĐQT về việc giao nhiệm vụ tạm thời Giám đốc tài chính kiêm nhiệm Kế toán trưởng ngày 07/11/2018, Báo cáo thường niên năm 2017, Quyết định của HĐQT về gia hạn Quyền Kế toán trưởng ngày 15/03/2018.

Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống IDS các tài liệu sau: BCTC Quý 1, 2, 3, 4/2020 và giải trình kết quả sản xuất kinh doanh quý 3, 4/2020 so với cùng kỳ, BCTC Quý 1, 2, 4/2019, Báo cáo quản trị công ty năm 2019, BCTC bán niên năm 2019 đã soát xét, BCTC Quý 3, 4/2018, BCTC bán niên năm 2018 đã soát xét. Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh các tài liệu sau: Báo cáo thường niên năm 2018, 2019, BCTC Quý 1, 2/2020, Nghị quyết HĐQT ngày 07/7/2020 về việc chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2019.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2022, với doanh thu thuần gần 50 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 3,5 tỷ đồng trong quý đầu năm.

Theo doanh nghiệp, mặc dù đã có sự khôi phục từ quý IV/2021 cùng với những kết quả quan trọng trong việc tối ưu chi phí, nhưng hoạt động kinh doanh của công ty vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Tính đến hết ngày 31/3, tổng tài sản của Chương Dương đạt 428 tỷ đồng, tăng gần 60 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp ghi nhận khoản tiền và tương đương tiền đạt hơn 39 tỷ đồng, giảm hơn 6 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm gần 10% tổng tài sản. 

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 275 tỷ đồng, chiếm 64% tổng nguồn vốn. Trong đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính lên tới hơn 230 tỷ đồng, tăng 32% so với thời điểm đầu năm.

Công ty CP Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc tập đoàn B.G.I (Pháp), một trong những đơn vị sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975.

Tới năm 1977, tập đoàn BGI bàn giao toàn bộ nhà máy cho Nhà nước Việt Nam với tên gọi Nhà máy nước ngọt Chương Dương trực thuộc Công ty Rượu Bia Miền Nam. Tới năm 1993, công ty đổi tên thành Công ty Nước giải khát Chương Dương trực thuộc Tổng Công ty Rượu, Bia, Nước giải khát Việt Nam.

Năm 2004 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Chương Dương. Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Nước Giải Khát Chương Dương, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với tỷ lệ góp vốn từ Tổng Công ty Bia Rượu NGK Sài Gòn (Sabeco) là 51%. Sau đó tăng lên 61,9% vào năm 2012. Tính đến năm 2020, SABECO vẫn là cổ đông lớn nhất của Chương Dương với tỷ lệ sở hữu 62,06%.

Hiện tại, người giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Chương Dương là ông Neo Gim Siong Bennett, cựu lãnh đạo Sabeco. Trong khi đó, Tổng Giám đốc là ông Neo Hock Tai Schubert, người từng làm việc cho tập đoàn ThaiBev, đơn vị đã thâu tóm Sabeco từ cuối năm 2017.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang