Cục Thuế TP.HCM xin ý kiến cưỡng chế truy thu thuế Uber

authorĐỗ Thu Thoan 15:05 21/01/2018

(VietQ.vn) - Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản xin ý kiến về việc tái cưỡng chế truy thu thuế Uber, vì sợ ảnh hưởng đến tài xế.

Sự kiện: Kinh doanh

Thông tin Zing đăng tải, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã có văn bản xin ý kiến Tổng cục Thuế về việc tái cưỡng chế truy thu số tiền 53,3 tỷ đồng còn thiếu của Uber B.V. Cục thuế TP.HCM cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, nên vẫn chờ văn bản trả lời để có hướng xử lý tiếp theo.

Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho rằng việc tiếp tục cưỡng chế truy thu vẫn có cơ sở để thực hiện, nhưng Cục Thuế đang cân nhắc đến quyền lợi của tài xế trong khoản tiền phải truy thu, nên cần phải xin ý kiến rõ ràng.

cuc-thue-tphcm-xin-y-kien-cuong-che-truy-thu-thue-uber

Cục Thuế TP.HCM xin ý kiến cưỡng chế truy thu thuế Uber. Ảnh minh họa

“Đây rõ ràng là vấn đề nhạy cảm, bởi Uber thục hiện theo phương thức ăn chia giữa Uber và tài xế thì tiền thanh tóan sử dụng dịch vụ chuyển thẳng về tài khoản của Uber. Sau đó Uber mới hoàn lại 80% tỷ lệ ăn chia cho tài xế. Nếu cơ quan thuế cưỡng chế trực tiếp trên tài khoản Uber sẽ dễ dẫn đến việc tài xế mất thu nhập.

Hơn hết chúng tôi cần xin ý kiến để có hướng giải quyết phù hợp, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của tài xế”, Zing dẫn lời ông Tâm cho biết.

Việc truy thu số tiền 66,68 tỷ đồng với Công ty Uber B.V đã kéo dài nhiều tháng qua, với nhiều diễn biến căng thẳng.

Ngày 13/12, Cục Thuế TP.HCM ra tối hậu thư yêu cầu Uber B.V nộp khoản thuế trên trong vòng 10 ngày. Hết thời hạn, Uber B.V mới nộp 13,3 tỷ đồng nên cơ quan này áp dụng các biện pháp cưỡng chế truy thu.

Trước động thái này, theo Zing, Uber gửi văn bản đến Cục Thuế TP.HCM, khẳng định sẽ cân đối tài chính để nộp khoản thuế bị truy thu trong thời hạn cho phép. Đồng thời cũng cho biết tiếp tục khiếu nại và khởi kiện cơ quan thuế ra tòa.

Đầu tháng 1, Tòa án nhân dân TP.HCM thông báo đình chỉ thụ lý vụ Uber B.V khởi khiện Cục Thuế TP.HCM. Nguyên nhân là Uber B.V chưa nhận được ủy quyền của công ty Uber mẹ tại Hà Lan nên chưa đủ tư cách pháp lý làm nguyên đơn khởi kiện. Đồng thời, tòa án cũng hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến yêu cầu chưa thực hiện cưỡng chế tài khoản Uber B.V.

Ở một diễn biến khác, với khoản đầu tư mới trị giá 8 tỷ USD của Softbank - gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản đã khiến doanh nghiệp này trở thành cổ đông lớn nhất của Uber, và doanh nghiệp này cũng muốn Uber rút khỏi thị trường châu Á và châu Phi, trong đó có thể bao gồm Việt Nam.

Uber sẽ sớm phải rút khỏi thị trường châu Á và châu Phi?(VietQ.vn) - Khoản đầu tư mới trị giá 8 tỷ USD của Softbank đã khiến doanh nghiệp này trở thành cổ đông lớn nhất của Uber, và doanh nghiệp này cũng muốn Uber rút khỏi thị trường châu Á và châu Phi, có thể gồm Việt Nam.

Về thông tin này, theo Trí thức trẻ, phía Uber nói rằng họ hy vọng khoản đầu tư này sẽ cho phép công ty "có nguồn lực lớn hơn" để cung cấp dịch vụ của họ tới cho "nhiều khách hàng, tại nhiều nơi trên thế giới hơn".

Tuy nhiên, dường như điều này không phù hợp với tầm nhìn của Softbank. Rajeev Misra – Tổng giám đốc của Softbank tin rằng Uber có cơ hội thành công lớn hơn và có thể có lợi nhuận nếu chỉ tập trung vào những thị trường cốt lõi như như Mỹ, châu Âu, châu Mỹ Latin và Australia. Misra có nhiều khả năng được Softbank bổ nhiệm vào hội đồng quản trị Uber.

Softbank đã có lượng cổ phần đáng kể của một trong những công ty gọi xe lớn nhất thế giới bao gồm cả đối thủ của Uber như Ola, Didi Chuxing và Grab. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi họ muốn công ty gọi xe của Mỹ chỉ tập trung vào những thị trường cốt lõi – nơi họ không phải cạnh tranh với những đối thủ khác, báo Trí thức trẻ thông tin.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang