Đắk Lắk thay đổi diện mạo cho hàng hóa chủ lực

author 15:20 27/08/2016

(VietQ.vn) - Dự án Nâng cao Năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014 - 2020 đặt mục tiêu làm thay đổi cơ bản diện mạo của hàng hóa chủ lực của địa phương này trong những năm tới.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo đánh giá của tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa tập trung vào các sản phẩm chủ lực như cà phê nhân, cà phê bột, cao su thiên nhiên, mật ong, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng, sản phẩm gỗ, tinh bột sắn. Tuy nhiên, theo tỉnh Đắk Lắk, đây cũng là những mặt hàng mới chỉ dừng lại ở sản xuất thô, chưa được quan tâm đầu tư nhiều vào chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng. Trong quá trình sản xuất chưa xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Điển hình như sản phẩm cà phê, là mặt hàng chủ lực của tỉnh với sản lượng cà phê dao động trong khoảng 400-450 ngàn tấn. Trong đó có 90% dành cho xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu trung bình từ 600 - 650 triệu USD/năm.

Công ty Cà phê An Thái giới thiệu sản phẩm của công ty.

 Công ty Cà phê An Thái giới thiệu sản phẩm của công ty. Ảnh Báo Đắk Lắk

Lượng cà phê nhân còn lại dành cho sản xuất cà phê rang xay và cà phê hòa tan, chủ yếu để tiêu dùng nội địa. Cà phê nhân xuất khẩu theo tiêu chuẩn cơ sở được xây dựng dựa trên yêu cầu rất đa dạng của khách hàng, chưa theo tiêu chuẩn quốc gia cũng như chưa hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Do đó khó so sánh chất lượng vật lý của cà phê nhân Việt Nam so với thế giới, gây ít nhiều bất lợi khi giao dịch trên thị trường quốc tế...

Đó cũng là tình trạng chung đối với các sản phẩm nông nghiệp, đa số phục vụ nhu cầu trong tỉnh. Năng suất, chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là các doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực tài chính, nhân lực còn hạn chế về trình độ chuyên môn, quản lý điều hành. Chưa quan tâm nhiều đến quyền, lợi ích của mình trong việc bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng phát triển thương hiệu cho các sản phẩm. Ngoài ra, việc tuân thủ áp dụng tiêu chuẩn quốc gia trong sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chưa được quan tâm, chưa chú trọng áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng và mở rộng thị trường...

Dự án Nâng cao Năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014 - 2020 đặt mục tiêu làm thay đổi cơ bản diện mạo của hàng hóa chủ lực của địa phương. Trong đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sản xuất phù hợp hoặc tương đương với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn quốc tế để tăng tính cạnh tranh trên thị trường đối với các hàng hóa cùng chủng loại của các địa phương, các nước khác thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp.

Giảm chi phí, tăng năng suất lao động thông qua việc áp dụng các HTQLCL tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. Phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh thông qua xây dựng và bổ hộ tài sản trí tuậ; xúc tiến thương mại.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang