Đạt chất lượng dứa cao nhờ cung cấp đủ trung vi lượng

author 17:34 23/04/2015

(VietQ.vn) - Dứa là cây thân thảo lâu năm, dề trồng, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, tuy nhiên nếu không cung cấp đủ trung vi lượng cần thiết thì dứa sẽ không thể đạt chất lượng mong muốn.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Dứa là cây ăn quả nhiệt đới, nguồn gốc ở Nam Mỹ (Brazil, Achentina, Paragoay. Hiện nay trên thế giới, cây dứa được trồng hầu hết các nước nhiệt đới và một số nước á nhiệt đới có mùa tương đối ẩm như đảo Hawai, Đài Loan. Dứa có thể trồng tới vĩ tuyến 380 bắc, trong đó các nước Châu Á chiếm trên 60% sản lượng dứa chất lượng cả thế giới. Các nước trồng nhiều là Philippines, Thái Lan, Malaysia, Hawai, Brazil, Mêhicô, Cuba, Uc, Nam phi.

Ở VN dứa được trồng trên nhiều loại đất: đất đỏ bazan, đất vôi, đất đỏ vàng…  Cây dứa có đặc điểm sau khi thu hoạch các mầm nách ở thân cây dứa có thể tiếp tục phát triển thành một cây mới cũng cho quả nhưng dứa vụ 2 (dứa chồi) thường cho năng suất quả không cao bằng dứa vụ 1 (dứa tơ). Dứa thường được trồng bằng chồi.

Trong năm, cây dứa ra hoa nhiều vụ, ở miền Bắc vụ chính ra hoa tháng 2 - 3 thu hoạch tháng 6 - 7. Vụ nghịch ra hoa tháng 6 - 8, thu hoạch tháng 10 - 12. Ở miền Nam dứa ra hoa quanh năm xong tập trung vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10. Từ khi dứa ra hoa đến thu hoạch khoảng 4 - 5 tháng.

Trung vi lượng có vai trò quan trọng trong việc hình thành chất lượng dứa

Trung vi lượng có vai trò quan trọng trong việc hình thành chất lượng dứa

Nhiệt độ thích hợp cho cây dứa phát triển từ 25 - 35 độ C, với nhóm dứa Cayen thì độ pH thích hợp từ 5,0 - 6,0, với nhóm dứa Queen thì độ pH thích hợp từ 4,5 - 5,5. Đất trồng dứa phải có tầng canh tác dầy trên 40 cm, tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt và địa hình thoai thoải. Các loại đất như đất đỏ bazan, đỏ vàng, đất xám… có kết cấu nhẹ đều trồng được dứa.

Cây dứa cũng như các loại cây ăn quả khác có nhu cầu dinh dưỡng rất lớn để nuôi cây và đảm bảo năng suất. Hơn nữa, do mật độ trồng trên một đơn vị diện tích lớn, tổng lượng sinh khối cao, cho nên dứa hút nhiều chất dinh dưỡng từ đất.

Đạm là chất dinh dưỡng quyết định khả năng sinh trưởng của cây dứa. Đạm làm tăng chiều cao của cây và cuống quả, tạo thuận lợi cho việc đâm chồi. Nhu cầu đạm của cây dứa tăng mạnh từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 12. Bước vào giai đoạn ra hoa (tháng 12-15) cây hầu như không có nhu cầu đạm, nhưng ở giai đoạn phát triển quả (tháng 15-18) cây lại có nhu cầu đạm tăng cao

Lân có vai trò đặc biệt quan trọng cho việc phát triển bộ rễ, xúc tiến phân hóa mầm hoa, nở hoa, thụ phấn, đậu quả và tăng độ lớn của quả. Nếu thiếu lân cây dứa phát triển kém do rễ yếu và ít lấy được dinh dưỡng từ đất lên nuôi quả, nuôi cây nên quả nhỏ, ít chồi ngọn và chồi thân. Nếu bón đủ lân sẽ nâng cao sức chống chịu của dứa với các đối tượng sâu bệnh gây hại và làm tăng năng suất và chất lượng dứa.

Kali là nguyên tố dinh dưỡng cây dứa có nhu cầu cao hơn nhiều đạm và lân. Kali có tác dụng làm tăng trọng lượng và kích thước và chất lượng quả. Cây hút kali nhiều nhất ở thời kỳ sinh trưởng sinh thực từ tháng 10 cho đến tận thu hoạch.

Các yếu tố dinh dưỡng vi lượng đặc biệt cần thiết để có chất lượng dứa cao

Các yếu tố dinh dưỡng vi lượng đặc biệt cần thiết để có chất lượng dứa cao

Mg có vai trò quan trọng trong việc xúc tiến các quá trình trao đổi và vận chuyển chất hữu cơ trong cây. Vì vậy thiếu Mg có ảnh hưởng xấu tới năng suất và chất lượng dứa, thường thấy khi trồng dứa trên đất chua, pha cát.

Cây dứa có nhu cầu canxi cao. Trên những vùng đất đồi, đất cao thường thiếu canxi nên cần bón bổ sung canxi cho dứa bằng vôi hoặc phân lân nung chảy để cung cấp canxi cho dứa. Nếu thiếu canxi quả dứa bé, lá có màu lục xỉn, xuất hiện nhiều đốm vàng trên ngọn lá, khi thiếu canxi nặng các vết vàng lan rộng đến gốc lá làm cho cây ra quả non, giảm năng suất.

Cây dứa là một trong những cây trồng cần nhiều chất silic nhất. Silic tham gia cấu tạo bẹ, thân, lá, gai dứa giúp cho cây dứa giảm bốc hơi nước trong những điều kiện khô hạn, chống chịu sâu bệnh, làm cứng cây, tăng khả năng quang hợp, vận chuyển dinh dưỡng về quả, giảm độc tố của một số nguyên tố mà cây dứa thường hấp thụ nhiều như mangan, silicon.

Vai trò và các yếu tố dinh dưỡng vi lượng như kẽm, bo, sắt…: Các yếu tố dinh dưỡng vi lượng đặc biệt cần cho sự hình thành tổng hợp các loại vitamin trong quả, tạo ra các mùi thơm đạc trưng của thịt quả, tăng chất lượng quả dứa. Nếu thiếu các nguyên tố vi lượng thì chất lượng thịt quả kém, hương vị giảm, độ vitamin trong quả thấp, cây dứa yếu dễ nhiễm sâu bệnh gây hại. Nguyên tố Bo có vai trò đặc biệt quan trọng việc vận chuyển các loại đường đơn và ổn định mạch dẫn. Thiếu Bo làm giảm năng suất dứa. Quả có hình dáng và độ lớn không bình thường, khiến quả bé đi, trường hợp bị thiếu Bo nghiêm trọng, các mắt quả bị tách hoặc rời hẳn ra, để lộ phần thịt bên trong chứa đầy nhựa.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang