Đầu tư cho khoa học công nghệ là nền tảng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong năng suất chất lượng
Năng suất - Nền tảng của thịnh vượng
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như dệt may, thủy sản, điện tử... cũng gặp nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay. Ví dụ như mặt hàng thủy sản, trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 767 triệu USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tháng 7 đạt 778 triệu USD, giảm 17,5%; sang tháng 8 ước đạt 846 triệu USD, vẫn giảm hơn 15%. Hay đối với mặt hàng dệt may, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Lê Tiến Trường, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Việt Nam hiện không còn là quốc gia dệt may với lợi thế nhân công giá rẻ. Thay vào đó, việc đầu tư công nghệ kỹ thuật mới sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động đầu tư máy móc, công nghệ mới của doanh nghiệp trong ngành còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt bằng chung công nghệ, máy móc trong ngành đều ở mức trung bình, số doanh nghiệp đạt trình độ khá còn rất ít, chưa ứng dụng được tự động hóa một cách rộng rãi. Do đó, năng suất lao động không vượt trội, trong khi thu nhập cao hơn dẫn đến chi phí lao động trên một sản phẩm cao hơn các đối thủ. Nhiều mặt hàng sợi, vải cao cấp chưa đủ khả năng sản xuất.
Ông Lê Tiến Trường.
Ông Trường cho rằng, để có thể khôi phục lại năng lực sản xuất, xuất khẩu và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may giai đoạn tới, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tâm xây dựng các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện như gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất; hạ lãi suất vay và điều kiện thực tế tiếp cận vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng.
Xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất theo hướng xanh, bền vững như các gói hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp xanh, gói tín dụng ưu đãi cho công trình sản xuất xanh. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành dệt may, tăng tính liên kết để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Từ đó, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng ngành dệt may, minh bạch hoá các khâu để phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu...
Không chỉ riêng với ngành dệt may mà trong xu thế hội nhập hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tiến bộ khoa học công nghệ có thể làm giảm số lượng lao động trên một đơn vị sản phẩm, làm cho giá trị lao động ở mỗi đơn vị sản phẩm giảm đi nhiều lần tùy vào loại hình sản phẩm. Nói cách khác, khoa học công nghệ có vai trò như “đòn bẩy” đưa năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa bứt phá.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu tổng quát nhằm đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mai Phương