Đẩy mạnh công tác phối hợp thúc đẩy tăng năng suất sản phẩm hàng hóa và khả năng cạnh tranh

author 05:22 20/12/2019

(VietQ.vn) - Đó là vấn đề được Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh tại Hội nghị Ban điều hành Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng vừa được Bộ KH&CN tổ chức.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Hội nghị Ban điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình) được tổ chức nhằm đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện và định hướng các hoạt động hỗ trợ danh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn đến năm 2030.

Thay mặt Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh – Trưởng ban điều hành Chương trình, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trì hội nghị cùng sự tham gia của Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đại diện các Bộ, Ngành: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Y tế, Thông tin và Truyền thông (TTTT), Xây dựng, VCCI, các UBND tỉnh, thành phố và các bên liên quan.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị 

Gần 1.000 TCVN, QCVN được xây dựng trong năm 2019

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp cho biết, Bộ KH&CN được Chính phủ giao chủ trì 2 trong 9 dự án thành phần thuộc Chương trình đó là: Dự án 1 “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” và Dự án 2 “Thúc đẩy hoạt động NSCL”.

Qua đó, năm 2019, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn đã được đẩy mạnh, cụ thể: Bộ KH&CN và các Bộ ngành đã tổ chức xây dựng 874 TCVN, tập trung cho đối tượng là sản phẩm, hàng hóa chủ lực và các lĩnh vực liên quan; phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa; nhu cầu sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa...

Trong số 507 TCVN do Bộ KH&CN xây dựng, đến nay, 163 TCVN đã được công bố; 145 TCVN đã thông qua Ban kỹ thuật; 67 TCVN đã qua tổ chức hội nghị chuyên đề. 132 dự thảo TCVN đang trong quá trình chuẩn bị ký hợp đồng thực hiện.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình năm 2019.

270 TCVN do Bộ, ngành xây dựng đã chuyển Bộ KH&CN thẩm định như: Bộ NN&PTNT: 51 TCVN; Bộ Giao thông Vận tải: 10 TCVN; Bộ Xây dựng: 35 TCVN; Bộ Tài nguyên và Môi trường: 55 TCVN; Bộ Y tế: 12 TCVN;, Bộ TTTT: 6 TCVN...

“Bộ KH&CN đã chủ động, phối hợp với Bộ NN&PTNT soát xét, xây dựng, hình thành bộ TCVN về nông nghiệp hữu cơ; bao gồm 08 TCVN (01 TCVN soát xét TCVN 11041:2015; 07 TCVN xây dựng mới: trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, tôm hữu cơ, gạo hữu cơ, chè hữu cơ, sữa hữu cơ); đang xem xét về xây dựng TCVN về sâm Ngọc Linh”, ông Hiệp cho biết.

Bên cạnh đó, năm 2019, 12 TCVN, 01 QCVN đã được xây dựng từ đặt hàng của các hiệp hội, doanh nghiệp như: Hiệp hội đồng quốc tế, Hiệp hội thực phẩm Châu Âu, Tập đoàn Than, công ty Bluscoop, Công ty than Đông Bắc, Tập đoàn Ptrolimex, Công ty Thép PoscoVSS…

Năm 2019, Bộ KH&CN thực hiện xây dựng mới và sửa đổi 13 QCVN. Đến nay 08 QCVN đã được ban hành; Thực hiện thẩm định 59 QCVN do các Bộ ngành xây dựng, trong đó đề nghị các Bộ ngành không quy định nội dung liên quan đến các điều kiện kinh doanh trong 13 dự thảo QCVN.

Theo thống kê, từ năm 2016-2019, số TCVN xây dựng là 3.474 TCVN. Hệ thống TCVN ngày càng được hoàn thiện (tăng cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ). Đến nay, có khoảng 11.500 TCVN với mức độ hài hòa TCQT, TCKV đạt trên 54%.

Hệ thống QCVN đến nay có khoảng 780 QCVN trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường...

Toàn cảnh Hội nghị. 

Hàng trăm doanh nghiệp được tiếp cận hệ thống, công cụ, tiêu chuẩn mới

Về thực hiện Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng”, trong năm 2019, Bộ KH&CN tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về NSCL; Hoạt động đào tạo tiếp tục được triển khai, bên cạnh việc đào tạo về nhận thức, áp dụng các hệ thống, công cụ cơ bản như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, KPI, TPM, Lean..., Chương trình đã triển khai đào tạo các Hệ thống quản lý mới (ISO 39001, ISO 45001, UL, RoHS, CE-Marking, sản xuất nông nghiệp hữu cơ...) cho chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá và cán bộ quản lý chất lượng tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, công tác phổ biến, hướng dẫn áp dụng các HTQL, mô hình, công cụ cải tiến NSCL được tiếp tục đẩy mạnh. Đây là nhóm nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của Chương trình. Năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL thông qua áp dụng các hệ thống, công cụ cơ bản, nền tảng, theo đề xuất của một số Hiệp hội, đơn vị, Dự án 2 đã triển khai một số hệ thống, công cụ, tiêu chuẩn mới như: ISO 39001, ISO 45001, FSC, CoC...; tư vấn chứng nhận theo chương trình chứng nhận của UL, RoHS, CE-Marking và mở rộng đối tượng thụ hưởng tới các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp trồng rừng...

“Để nắm bắt, tiếp cận với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Dự án 2 đã cho triển khai thí điểm áp dụng kết hợp các công cụ cải tiến NSCL với công nghệ số trong doanh nghiệp dệt may, làm cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng. Dự án đang triển khai có có kết quả tương đối tốt”, ông Hiệp cho biết.

Năm 2018-2019, Dự án 2 đã thực hiện hỗ trợ hơn 400 DN áp dụng các hệ thống, công cụ như: ISO 22000, ISO 45001, ISO 3834, hệ thống tích hợp ISO 9001 với ISO 14001 và ISO 9001 với ISO 22000, KPI, Lean, TPM, Kaizen-5S...

“Với việc thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng HTQL ISO 9001, ISO 14001 từ các nhiệm vụ của Chương trình, cùng với các giải pháp như xã hội hoá hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý theo ISO 9001, ISO 14001; thực hiện các chương trình hỗ trợ, đào tạo tư vấn cho doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận HTQL theo ISO 9001, ISO 14001; rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh..., theo đó, các chỉ số “Số chứng chỉ ISO 14001/tỷ $ PPP GDP” và chỉ số “Số chứng chỉ ISO 9001/tỷ $ PPP GDP” trong bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã được cải thiện và tăng theo các năm”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Ban điều hành Chương trình 712, không chỉ Bộ KH&CN, trong năm 2019 cùng với sự vào cuộc của các Bộ: Công thương, NN&PTNT, Y tế, TTTT, GTVT, Xây Dựng, các UBND tỉnh, thành phố Chương trình 712 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các mục tiêu của Chương trình cơ bản được đáp ứng, tăng cường ở giai đoạn 2. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động hỗ trợ áp dụng các giải pháp quản lý tiên tiến của Chương trình đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 02/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP… và nhận được sự đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế vẫn còn đâu đó những tồn tại ở việc thiếu sự nhiệt tình tham gia của một vài Bộ ngành, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, rào cản về kinh phí, trình độ chuyên gia tư vấn cũng đang là vấn đề khiến cho Chương trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh về những trọng tâm cần chú ý trong kế hoạch triển khai những năm tiếp theo của Chương trình. 

Về phương hướng trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đồng tình với kế hoạch triển khai của Chương trình năm 2020 và nhấn mạnh về sự phối hợp trong và ngoài Bộ KH&CN để hướng dẫn, phổ biến, lan tỏa hơn nữa nội dung, tinh thần, mục tiêu chủa Chương trình. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động đào tạo, phổ biến thông qua hệ thống giáo dục như các trường đại học, cao đẳng để phổ biến, hướng dẫn thêm về nội dung của Chương trình. Đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ.

“Tổng cục TCĐLCL phối hợp chặt chẽ với Cục SHTT, với các nhiệm vụ KHCN để chuyển giao kết quả nghiên cứu… giúp cho các địa phương, doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm có năng suất, có khả năng cạnh tranh không chỉ thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng mong muốn các Bộ ngành vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa triển khai Chương trình và có những đánh giá về kết quả tổng thể. Tiếp tục nghiên cứu, góp ý vào Chương trình đang được xây dựng trong giai đoạn tới đến năm 2030 để Chương trình tiếp cận một cách hiệu quả.

Việt Nam – APO: Tăng cường hợp tác cùng phát triển trong lĩnh vực năng suất chất lượng(VietQ.vn) - "Tôi mong mối quan hệ hợp tác giữa APO và Việt Nam được thắt chặt hơn nữa và có những bước phát triển mới trong tương lai" - đó là nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với tân Tổng thư ký APO.

Thanh Uyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang