Doanh nghiệp phá sản, công nhân thất nghiệp hàng loạt

author 10:07 04/05/2012

Doanh nghiệp (DN) phá sản, công nhân thất nghiệp hàng loạt, nếu không có giải pháp cấp bách để giải quyết, tình trạng này sẽ ngày càng tăng, kéo theo bất ổn xã hội.

Cứu doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, mỗi năm nước ta có hơn 2 triệu lao động mới; cộng thêm việc hàng loạt DN đang khó khăn, phá sản nên lượng lao động dôi dư ra rất nhiều. Để đảm bảo công ăn việc làm cho người dân, vai trò của DN tư nhân đứng hàng đầu. Bên cạnh đó, Nhà nước phải tạo điều kiện để DN hoạt động tốt mới đủ công ăn việc làm.

Ảnh minh họa


Ông Thành nhấn mạnh: hiện nay, khi DN đang hấp hối thì phải cứu ngay và giải pháp tức thời là có thể bỏ đi thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% để kích cầu tiêu thụ, gỡ đầu ra cho DN. Bên cạnh đó có thể tiếp tục giãn, giảm thuế thu nhập cho DN. Giải pháp dài hơi hơn nhưng vẫn phải thực hiện ngay là ngân hàng trung ương có thể cho ngân hàng thương mại vay lãi suất thấp để các ngân hàng này cho DN vay với lãi suất hợp lý. Việc này tất cả ngân hàng trung ương trên thế giới đều làm trong tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

Đồng quan điểm trên, TS. Trần Hoàng Ngân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng cho biết, trước mắt Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ các DN duy trì sản xuất kinh doanh, nhất là với những DN có sử dụng nhiều lao động. Trong đó, cần sử dụng chính sách hỗ trợ về thuế như giảm và giãn thuế VAT, thuế thu nhập DN. “Bản thân các ngân hàng thương mại cần sớm cơ cấu lại nợ theo hướng điều chỉnh lại nợ và thời gian trả nợ. Nhất là để hỗ trợ các DN có khả năng tồn tại và phát triển”, ông Ngân nói.

Theo ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, vấn đề cần được giải quyết trước mắt là tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước để giảm lượng hàng tồn kho, kích thích sản xuất phát triển, trong đó tăng cường mở rộng mạng lưới bán lẻ hàng nội địa tại các địa phương.

Không thêm thuế mới

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng phân tích, trong giai đoạn hiện nay, khi sức của DN nói riêng và người dân nói chung đang cạn kiệt thì Chính phủ không nên đưa ra thêm những loại thuế mới. “Quốc hội cũng nên bàn tính làm thế nào để giảm thu ngân sách chứ không nên nghĩ cách tăng thu ở thời điểm hiện tại”, ông Thành nói.

Còn theo ý kiến của TS. Lê Đăng Doanh, số người thất nghiệp thật sự lớn hơn rất nhiều so với con số hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Một phần trong số họ đã tự xoay xở với khó khăn bằng cách chuyển về nông thôn hoặc làm các nghề tạm thời khác. Để giải quyết vấn đề này, cả chính quyền trung ương và địa phương cần phải vào cuộc bằng các giải pháp cấp bách và căn cơ.

Trước mắt, có thể dùng các biện pháp trợ cấp cho người lao động để tăng sức mua. Về lâu dài, nhà nước cần tạo ra công ăn việc làm cho người lao động bằng cách mua lại nợ, bảo lãnh tín dụng cho các DN để họ khôi phục lại sản xuất.

Trước ý kiến cần phải cứu DN bằng biện pháp giãn hoãn thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết bộ đang sẵn sàng chờ đợi và nghiên cứu các kiến nghị của DN để sửa đổi, bổ sung chính sách.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khẳng định, muốn cứu DN thì cũng phải cứu theo luật, vì thuế là tiền của toàn dân, của xã hội chứ không thể cơ quan thuế muốn hoãn thì hoãn, muốn giãn thì giãn. “Năm nay dự báo số DN khó khăn, hy sinh sẽ còn tăng, lao động thất nghiệp còn nhiều. Vì vậy, tới đây chúng tôi cũng dự định trình ra Quốc hội một số vấn đề về thuế để gỡ khó cho DN. Tuy nhiên, đề án đó phải được đưa vào nghị quyết Quốc hội và chắc chắn phải theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện từng loại hình DN, lĩnh vực”, ông Tuấn nói.

 

Theo Thanh Niên
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang