Doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tốc chuyển đổi năng lượng, đáp ứng Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới

author 14:32 24/05/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, Vương quốc Anh đã tiến hành tham vấn về một số cơ chế sau khi châu Âu (EU) ban hành cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM). Về dài hạn, cơ chế này sẽ tác động tới sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gang, thép, nhôm, xi măng và phân bón của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam...

EU đã ban hành Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) mới

EU đã ban hành Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) mới với thời gian chuyển tiếp từ 01/10/2023 và có hiệu lực đầy đủ từ 01/01/2026. Vương quốc Anh (UK) cũng đang tiến hành tham vấn về một cơ chế tương tự từ ngày 30/3 đến hết ngày 22/6/2023. CBAM là một công cụ chính sách mới của EU cho phép đánh thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu trong các ngành có mức phát thải cao gồm sản xuất gang, thép, nhôm, phân bón, xi măng, điện và hydrogen. Thuế bổ sung này được gọi là thuế carbon và được tính toán dựa trên mức độ phát thải của sản phẩm trong quá trình sản xuất.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, các nhà nhập khẩu phải báo cáo về mức độ phát thải khí nhà kính của sản phẩm nhập khẩu nhưng chưa phải nộp thuế. Sau khi CBAM có hiệu lực, các nhà nhập khẩu phải khai báo về mức độ phát thải của sản phẩm nhập khẩu năm trước để cơ quan thẩm quyền UK tính thuế.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin, Chính phủ Anh đang tiến hành lộ trình 5 bước trong xây dựng và triển khai CBAM. Cụ thể, từ 30/3 – 22/6/2023 tham vấn giữa các cơ quan liên quan của Chính phủ với Quốc hội, doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ môi trường, các nhà khoa học và người dân; thiết kế chính sách bao gồm phạm vi, các mức giá carbon, khu vực và lĩnh vực áp dụng, và các cơ chế tuân thủ; tham vấn và đàm phán với các đối tác thương mại trong WTO để đảm bảo CBAM phù hợp với luật lệ quốc tế; thực hiện các chương trình thí điểm để đánh giá hiệu quả của CBAM và xác định những vấn đề cần cải tiến; CBAM sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn và được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo tính hiệu quả trong việc giảm phát thải và bảo hộ doanh nghiệp và các ngành công nghiệp của Anh quốc.

Chính phủ Anh tính thuế carbon dựa trên sàn giá carbon (CPF). CPF là thuế đánh vào việc sử dụng gas và than trong sản xuất điện thông qua việc áp giá tối thiểu trên mỗi tấn khí CO2 phát thải từ các nhà máy điện. Mức giá tối thiểu này bắt đầu được ấn định là 16£/tấn khí CO2 phát thải từ năm 2013 và tăng dần qua các năm theo lạm phát. CPF năm 2020 là 18,8£/tấn, năm 2022 là 22£/tấn và được dự báo sẽ tăng lên 39£/tấn năm vào năm 2030. Đánh giá tác động của CBAM của UK với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết trong ngắn hạn CBAM sẽ không có tác động đáng kể đối với thương mại trong giai đoạn từ nay đến ngày 01/01/2026.

Chính phủ Anh tính thuế carbon dựa trên sàn giá carbon (CPF). Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Anh lưu ý, trong thời kỳ chuyển tiếp này, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng (điện, gas) và có mức độ phát thải khí nhà kính cao phải chuyển đổi công nghệ để không vấp phải rào cản thuế carbon qua biên giới mới trong tương lai. Về dài hạn, ông Cường cho rằng CBAM sẽ tác động tới sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gang, thép, nhôm, xi măng và phân bón của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Các ngành này sẽ gặp khó khăn khi lợi thế cạnh tranh nhờ giá điện rẻ hơn và chi phí bảo vệ môi trường thấp hơn sẽ giảm sút vì chi phí thuế carbon qua biên giới mới phát sinh.

Bên cạnh đó, hiệu quả của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ ít nhiều suy giảm đối với sản phẩm xuất khẩu của các ngành công nghiệp này.

Như vậy, xu hướng chuyển dịch công nghiệp từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển có thể chững lại sau năm 2026. Một số ngành công nghiệp tại các nước phát triển có cơ hội phục hồi nhờ công nghệ mới và nhờ được bảo hộ thông qua trợ cấp của Chính phủ và thuế carbon đánh vào hàng nhập khẩu. Các ngành công nghiệp phát thải thấp sẽ có cơ hội tăng trưởng trong khi các ngành công nghiệp phát thải cao sẽ suy giảm. Sản phẩm của các ngành này sẽ có những thay đổi tương ứng.

Năng lượng xanh hơn, sạch hơn sẽ dần dần thay thế nhiên liệu hóa thạch và làm thay đổi các ngành sản xuất điện, sản xuất phương tiện vận tải. Cùng với các chính sách khí hậu khác, CBAM sẽ hạn chế sự phát triển của ngành khai thác than và dầu mỏ. Trước những tác động này, Thương vụ Việt Nam tại Anh kiến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành chịu tác động của CBAM cần tăng tốc chuyển đổi năng lượng và từng bước ứng dụng công nghệ phi carbon hóa trong sản xuất.

Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững rất cao, nhằm hướng đến cam kết “năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0”. Trong đó, quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, cần những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị-công trình xanh, tài chính xanh…

Việt Nam trên đà hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh

Chia sẻ về kế hoạch tổng thể trong lộ trình tăng trưởng xanh ở Việt Nam, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, bộ này sẽ ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thông qua xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư. Đặc biệt, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương để triển khai xây dựng danh mục các dự án tăng trưởng xanh trọng điểm cũng như xây dựng và triển khai các công cụ tài chính xanh phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới. 

Góp ý cho Việt Nam hiện thực hóa cơ hội đón đầu xu hướng và trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ sạch, ông Jaime Ruiz-Cabrero, Tổng Giám đốc Tập đoàn Boston Consulting khu vực Đông Nam Á cho rằng, chúng ta cần hoàn thiện thể chế chiến lược xanh và đẩy mạnh xây dựng nền móng khuôn khổ pháp lý; tăng cường xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giúp giảm chi phí vốn đầu tư; phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo; tăng tốc phát triển hệ sinh thái hydro sạch.

Doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Đánh giá cao sự vào cuộc của khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) dẫn chứng từ báo cáo khí hậu Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam từ nay đến năm 2040 cần 368 tỷ USD để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện giảm phát thải ròng, trong đó cần nhiều đóng góp của khu vực tư nhân. “Để huy động được nguồn lực quan trọng này, Chính phủ Việt Nam phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn. Đặc biệt, cần sớm có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành rất quan trọng này...”, ông Thomas Jacobs đề xuất.

Doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, song ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, hiện nay, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% số doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường. Có tới 91% số doanh nghiệp cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương... Do đó, VCCI đề xuất cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Cùng với đó, cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi DN đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang