Đồng Nai: Giảm phát thải carbon ở 7 lĩnh vực trọng điểm

author 17:14 12/03/2024

(VietQ.vn) - UBND tỉnh Đồng Nai vừa chính thức phê duyệt Đề án giảm thiểu khí carbon. Theo đó, tỉnh phân kỳ 4 giai đoạn, thực hiện tập trung vào 7 lĩnh vực trọng điểm tìm giải pháp giảm phát thải ròng về 0.

Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON

 Đồng Nai giảm phát thải carbon ở 7 lĩnh vực trọng điểm theo 4 giai đoạn. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Theo đề án, có 7 lĩnh vực trọng điểm và 4 giai đoạn để thực hiện. Trong đó 7 lĩnh vực trọng điểm gồm: năng lượng, giao thông, công nghiệp, môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; xây dựng và vật liệu; khu đô thị.

Cụ thể, đối với công nghiệp, tập trung vào các ngành sản xuất lớn như thép, xi măng, gỗ, dệt may; Đối với giao thông vận tải, tập trung tối ưu hóa hệ thống giao thông, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và xe điện; Đối với nông nghiệp và lâm nghiệp, áp dụng phương pháp canh tác thông minh, tăng cường quản lý rừng bền vững; Đối với xây dựng và bất động sản, thúc đẩy xây dựng nhà xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Còn 4 giai đoạn thực hiện đề án là: Giai đoạn 2025 - 2030 giảm 20% phát thải khí nhà kính; giai đoạn 2030-2035 giảm 45% phát thải khí nhà kính; giai đoạn 10 năm tiếp theo là trung hòa carbon và đạt phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Lộ trình này đã được tham chiếu với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Trước mắt, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh khuyến khích sử dụng điện và năng lượng xanh trong giao thông vận tải; sử dụng xăng E5; giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp; đồng thời, tăng tỷ lệ hấp thụ carbon, tỷ lệ xử lý chất thải với kết quả bằng hoặc cao hơn mục tiêu Chính phủ đưa ra tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2022 phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Giải pháp đặt ra là xác định chi tiết tiềm năng các nguồn năng lượng. Phát triển mạnh dự án năng lượng mới không phát thải như: sản xuất nhiên liệu hydrogen, amoniac xanh; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng. Cùng với đó, hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, đảm bảo năm 2030 thị trường tín chỉ carbon của tỉnh được vận hành, kết nối các thị trường trong nước, các nước khu vực và trên thế giới.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh sẽ có báo cáo mục tiêu, thời hạn giảm phát thải cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực trọng điểm và toàn tỉnh. Báo cáo phát triển chiến lược chuyên ngành và đa ngành nhằm giảm thiểu carbon trong các ngành kinh tế trọng điểm. Báo cáo phương án, lộ trình chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp và trung tâm logistics để đạt mục tiêu netzero năm 2050. 

Theo đánh giá chung, tỉnh có nhiều lợi thế thực hiện giảm khí thải carbon như: quỹ đất rừng hơn 181 ngàn hécta với nhiều khu vực có đa dạng sinh học cao; hệ thống sông, hồ với diện tích mặt nước và không gian sinh thái rộng. Hiện có hơn 250 cơ sở sản xuất công nghiệp và nhiều cơ sở xử lý chất thải phải kiểm kê, xây dựng lộ trình, thực hiện giảm phát thải nhà kính theo quy định. Bên cạnh đó là yêu cầu về tỷ lệ năng lượng tái tạo, giảm phát thải trong sản phẩm của thị trường nước ngoài.

Đề án sẽ giúp tỉnh Đồng Nai nâng cao năng lực quản lý, đánh giá và theo dõi phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện lộ trình giảm phát thải theo sự thống nhất của tỉnh; phát triển và triển khai các chiến lược và dự án giảm thiểu carbon theo chuyên ngành và đa ngành; xác định, kết nối các đối tác tài chính xanh để đảm bảo đầu tư vào tỉnh và thực hiện các giải pháp tài chính xanh sáng tạo. Đồng thời, tạo ra cơ hội mới cho tỉnh Đồng Nai trong việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế số và kinh tế trung tính carbon, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang