Giá sữa, cước 3G "nhảy múa": Độc quyền sao tránh được "làm giá"

author 11:58 10/03/2014

Nếu không tự sòng phẳng về chống độc quyền thì Việt Nam sẽ bị các nhà độc quyền nước ngoài khống chế bất cứ lúc nào.

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

PGS TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi - Trung Đông cho biết như vậy trong cuộc phỏng vấn với PV báo Đất Việt sau việc hàng loạt các doanh nghiệp sữa, các nhà mạng viễn thông cùng lúc tăng giá sữa, giá cước 3G chỉ trong một thời gian ngắn.

PGS-TS Đỗ Đức Thịnh

 Chỉ trong một thời gian ngắn dư luận liên tiếp chứng kiến hiện tượng các doanh nghiệp lớn đồng loạt tăng giá: 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone tăng cước 3G từ 40-60%, các hãng sữa Mead Johnson, Vinamilk, Nestle, FrieslandCampina tăng giá sữa từ 10-20%… Ông bình luận như thế nào về hiện tượng này?

Đối với thế giới đây là hiện tượng xưa cũ. Từ 1-2 thế kỷ trước đã có sự kiểm soát thị trường và độc quyền thị trường của các công ty dầu lửa như Sell. Vì điều này nên mới hình thành Luật chống độc quyền, bắt các công ty giảm thị phần và họ buộc phải tách ra thành 7 công ty dầu lửa lớn của thế giới. Thế giới thừa biết và nhìn nhận độc quyền thao túng là rất rõ.

Ở Việt Nam, chúng ta tưởng là mới nhưng thực chất nó cũng diễn ra từ lâu. Lúc đầu chúng ta ít quan tâm hoặc chúng ta có quan tâm, có cơ quan nào đó biết nhưng lờ đi chỉ bây giờ, thông tin báo chí rộng rãi hơn, cập nhật hơn mọi người mới thấy nhiều hơn. Dường như là đột ngột nhưng không có gì là đột ngột.

Từ việc những doanh nghiệp nắm thị phần chi phối (như Petrolimex) chi phối giá cho đến việc nhiều doanh nghiệp lớn tăng giá đồng loạt nói trên, theo ông, điều đó có báo hiệu một hình thức độc quyền mới nhân danh thị trường không? Vì sao lại xuất hiện hiện tượng trên, thưa ông?

Nó không thể hiện hình thức độc quyền mới mà là sự phát triển của hệ thống độc quyền hay sự độc quyền hiện nay.

Thể chế độc quyền kinh tế là hệ quả của thể chế quản lý, thể chế độc quyền o bế và bảo vệ thể chế kinh tế. Nếu nhìn lại lịch sử thuyết thể chế, thể chế hình thành xuất phát từ các nhóm lợi ích, nhóm lợi ích nào có quyền lớn hơn thì nhóm đó lựa chọn thể chế, xây dựng thể chế bảo vệ lợi ích của mình.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã làm vai trò thanh tra, kiểm soát nhưng kết luận vẫn: “không thấy dấu hiệu bất thường của sự câu kết, bắt tay tăng giá”, đồng nghĩa, các doanh nghiệp “tình cờ” tăng giá cùng lúc. Theo quan điểm của ông, cơ quan thanh tra, giám sát liệu đã làm đúng trách nhiệm, cái khó trong việc thanh tra, kiểm soát ở đây là gì?

Việc tìm ra bằng chứng chứng minh là rất khó. Không phải chỉ Việt Nam mà ở Ấn Độ cách đây mấy chục năm cũng diễn ra tình trạng này. Ấn Độ đã có nhiều biện pháp để khắc phục nhưng cho đến bây giờ cũng chỉ là khắc phục được từng phần, tất nhiên họ làm đỡ hơn chúng ta vì kinh tế thị trường họ làm khá hơn chúng ta.
Người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị móc túi khi các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn cùng tăng giá.

Thị trường của chúng ta không những méo mó mà còn méo xệch đi.

Tôi thông cảm cho đơn vị thanh tra tìm trong mớ bòng bong lại còn bị bóp méo như vậy là không dễ. Nhưng chúng ta cũng phải xem lại chức năng vai trò của người thanh tra có làm đúng không vì có thể họ phát hiện ra những sai phạm nhưng không phát hiện ra sai phạm vì lợi ích chung mà lại dùng sai phạm để hù dọa, kiếm ăn, trục lợi nên có thể lỗi rất nặng nhưng chỉ góp ý, rút kinh nghiệm, chưa kể trục lợi đến mức thanh tra thấy có nhưng loanh quanh một lúc bảo không, thấy nặng nhưng bảo nhẹ.

Thanh tra có 2 mặt, một mặt để thanh tra rất khó mặt khác cũng phải xem lại thanh tra, tại sao thanh tra lại giàu lên và những chỗ bị thanh tra không sao cả?

Việc xác định hành vi đã khó như vậy thì việc xử lý sẽ như thế nào, hay người dân không còn cách nào khác gánh hậu quả của “những sự tình cờ” trên?

Cho đến nay chúng ta thiếu 2 điều cơ bản nên chúng ta phải gánh hậu quả là chắc chắn. Nếu làm được 2 việc cơ bản tức là như thông lệ thế giới chúng ta sẽ đỡ đi rất nhiều.

Đó là việc ban hành thực thi nghiêm chỉnh Luật chống độc quyền. Chúng ta bàn nhiều về Luật chống độc quyền nhưng cho đến nay chúng ta nói về cạnh tranh lại nói thị trường định hướng chủ nghĩa tức là thị trường định hướng bởi độc quyền thì làm sao chống được độc quyền?

Thứ 2 là phải xây dựng bằng được chế độ tam quyền phân lập thực sự. Như hiện nay thì không ai kiểm soát được ai vì ai cũng có quyền nói họ không có lỗi gì. Chi tiêu hàng chục nghìn tỷ xong vẫn có thể nói không sao cả, trong khi chi tiêu 1 vài triệu lại ra tòa là điều rất vô lý. Nếu không làm được 2 điều này chúng ta không bao giờ khắc phục được tình trạng trên.

Vì chúng ta không chống độc quyền, chúng ta để các công ty nước ngoài nhảy vào thao túng thị trường lại trở thành độc quyền ngồi trên lưng chúng ta và sẽ đánh vào lưng chúng ta.

Hiện nay chúng ta đang phải chịu gậy của ta để công ty nước ngoài đánh vào lưng ta và cái đó đòi hỏi Việt Nam phải xem lại mình, xây dựng hệ thống kiểm soát các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu chúng ta không tự sòng phẳng với chúng ta về chống độc quyền thì chúng ta sẽ bị các nhà độc quyền nước ngoài khống chế chúng ta bất cứ lúc nào. Đã đến lúc đổi mới cần mạnh hơn chứ không thể chỉ mang tính chất điều chỉnh như thời gian vừa rồi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang